Vấn Đề Huyền Bí (Miracle) Trong Kitô Giáo

Pascal (1623-1662) , một khoa học gia kiêm triết gia , cuộc đời của ông có nhiều thời gian dành cho những suy tư tôn giáo. Qua kinh nghiệm thần bí của ông vào đêm 23-11-1654 (1 ), một lần nữa Pascal xác nhận tôn giáo không phải chỉ gồm những lý thuyết xuông, nhưng bao gồm cả những sự kiện, mặc dù là siêu nhiên, để chứng tỏ chân lý của tôn giáo . Có những sự kiện mà trí khôn không giải thích được, nhưng phải chấp nhận .

Trong khi với Spinoza, Thiên Chúa và yếu tính của vũ trụ là một, do đó huyền bi (miracle) là sự chối bỏ chính Thiên Chúa, thì trái lại, dưới mắt Pascal, huyền bí có thể có vì những định luật thiên nhiên là vững chắc trong dòng đời thường xuyên của mọi vật, và là dấu hiệu Thiên Chúa ghi trong kinh nghiệm trần thế. Bởi đó cũng là chắc chắn. Nhưng để đạt được sực chắc chắn đó, phải chấp nhận toàn bộ kinh nghiệm, kể cả tâm lý cá nhân và những kinh nghiệm nhân loại lớn trong lịch sử (2) .

Kinh nghiệm ở đây có thể là kinh nghiệm huyền bí, một kinh nghiệm mà con người có dịp tiếp xúc với thực tại của thế giới bên kia. Theo Pascal, kinh nghiệm tự nó dẫn đến đức tin. Nhưng trong học thuyết này, không có trung gian giữa một thế giới không có Thiên Chúa và một thế giới hoàn toàn hướng về bên kia. (3)

Với Bergson, tôn giáo là cái chất đầy nơi những hữu thể mắc nợ suy tư , nhưng không có suy tư nào không tiên liệu, không có tiên liệu nào không lo lắng, không có lo lắng nào không đồng thời chán nản sự trói buộc vào cuộc đời (4) . Bergson phân biệt tôn giáo tĩnh (la religion statique) và tôn giáo động (la religion dynamique ). Tôngiáo tĩnh trói buộc con người vào cuộc đời, và do đó, trói buộc cá nhân vào xã hội trong khi kể những câu truyện như bài ca ru đứa trẻ trong nôi (5). Đó là hình thức luân lý, khía cạnh tĩnh của tôn giáo. Nhưng tôn giáo động, khía cạnh tích cực của tôn giáo , lại nâng con người lên một bình diện cao hơn cuộc đời , đưa con người lên gặp thần linh, đi vào huyền bí. Huyền bí được nhận biết bằng trực giác, mơ hồ, tràn ngập, một đường viền chung quanh trí thông minh (6) .

Sự lôi cuốn của huyền bí là một đụng chạm , và do đó một trùng hợp từng phần với cố gắng sáng tạo mà đời sống là biểu hiệu. Cố gắng đó là của Thiên Chúa, nếu không là chính Thiên Chúa. Huyền bí lớn sẽ là một cá tính vượt qua những biên giới trói buộc nó vào một thể loại . Cực độ của huyền bí là một tình trạng xuất thần, (Bergson dẫn giải bằng học thuyết Plotin ), một trạng thái mà linh hồn cảm thấy hay tin là cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, được chiếu sáng bằng ánh sáng của Ngài, một giai đoạn mà sự chiêm niệm vừa lắng sâu vào hành động, ý chí nhân loại lẫn lộn với ý chí thần thánh (7) .

Nhưng huyền bí không thể đạt được bằng tư tưởng Hy lạp, Brgson quả quyết (8).

Tư tưởng Hy lạp là nguồn gốc triết học Tây phương, con phương hoàng Minerve. Cả Ấn độ giáo cũng vậy, Ấn dộ luôn thực hành một tôn giáo tương tự Hy lạp cổ (9 )

Tư tưởng Ấn độ đi vào huyền bí bằng hai cách :

1/ Vừa vật lý vừa tâm lý, theo cách này phải uống một thứ rượu gọi là " soma " . Đó là một thứ say linh thiêng , sau đó đi đến những tập luyện để làm ngưng trệ cảm giác, làm đình trệ hoạt động tinh thần. Sau cùng đưa đến tình trạng gần như bị thôi miên, tất cả được hệ thống hoá trong phép thiền định " yoga " .

2/ Trong phép thôi miên, tự nó không có gì là huyền bí nhưng có thể trở nên huyền bí hay ít ra báo hiệu và sửa soạn huyền bí thực sự (10)

Cả trong Phật giáo cũng vậy. Phật giáo mang đến cho con người sự giải thoát , nhưng cả thần thánh cũng cần được giải thoát. Do đó thần và người là đồng loại, chịu cùng một định mệnh.

Nếu không coi như một vấn đề lý thuyết, nhưng một kinh nghiệm, tương tự một tình trạng xuất thần, mà trong một cố gắng để trùng hợp với "đà sáng tạo" (élan créateur - danh từ của Bergson ), một tâm hồn có thể theo con đường chỉ sẵn (Phật giáo chấm dứt bằng những giai đoạn huyền bí) và chỉ thất bại nếu ngừng lại giữa đường, khi đó linh hồn rời khỏi đời sống nhân loại mà không đạt đến đời sống thần thánh, treo lơ lửng trong quay cuồng của hư vô, khi đó chúng ta không ngần ngại coi Phật giáo như một huyền bí thuyết. Nhưng Phật giáo không phải là một huyền bí thuyết hoàn toàn. Huyền bí thực sự phải là hành động sáng tạo, tình yêu. Không hẳn Phật giáo thiếu bác ái. Trái lại Phật giáo đòi hỏi nâng cao đến tột độ sự bác ái, nhưng chỉ thiếu nhiệt độ. (11 )

Huyền bí đòi hỏi hành động sáng tạo, tình yêu. Nhưng Ấn độ giáo mang mầu sắc yếm thế. Yếm thế của Ấn độ đến từ sự chết đói của hàng triệu dân mà con người hầu như bất lực không làm gì được. Chính sự yếm thế đã ngăn cản Ấn độ đi đến cùng khuynh hướng huyền bí, vì huyền bí hoàn toàn phải là hành động. Sự thúc đẩy của huyền bí không ngừng lại trước bất cứ ngăn trở nào .

Có thể kết luận là cả trong triết lý Hy lạp lẫn Ấn độ cổ đều không có huyền bí hoàn toàn, hoặc vì hoàn cảnh vật chất trái ngược hoặc bởi tinh thần quá hẹp hòi. (12 )

Huyền bí hoàn toàn thực ra là huyền bí Kitô giáo . Huyền bí và Kitô giáo điều kiện lẫn nhau, lệ thuộc lẫn nhau một cách không rõ rệt (13) . Huyền bí Kitô giáo mang đến một nguồn mạc khải cho nhân loại, một nhân loại vẫn còn không biết gì đến mạc khải đó. Do đó những người hướng về thuyết huyền bí đó đều có một tôn giáo. Nếu họ có những thị kiến (vision) nào, thị kiến đó bao gồm những điều mà tôn giáo dậy cho họ dưới hình thức những ý tưởng ; nếu có những xuất thần, họ sẽ kết hiệp với một Thiên Chúa vượt qua tất cả những gì họ tưởng, nhưng lại trả lời cho sự mô tả trừu tượng mà tôn giáo đã cung cấp cho họ. Người ta có thể hỏi phải chăng những giáo huấn trừu tượng không phải là căn nguyên của huyền bí và phải chăng huyền bí không bao giờ làm điều chi khác hơn là vượt qua văn tự của giáo điều để " viết lên những chữ bằng lửa " ? Vai trò của huyền bí bây giờ có lẽ là chấp nhận tôn giáo, để nung nóng những tâm hồn trong tôn giáo .

Không nên lạ nếu những rối loạn thần kinh đôi khi có kèm theo huyền bí, người ta cũng thường gặp trong nbhững hình thức khác của thiên tài, nhất là nơi những nhạc sĩ (14). Huyền bí có thể được mô tả như một lay động trong sâu thẳm bởi luồng sóng (le courant) lôi kéo, linh hồn ngừng quay về mình, trong một lúc thoát khỏi định luật của điều kiện liên hệ lưu chuyển giữa cá nhân và chủng loại, linh hồn ngừng lại như thể nghe thấy một tiếng gọi . Rồi nó bị mang đi, thẳng phía trước, nó không nhận thấy sức mạnh lay chuyển nó, nhưng nó cảm thấy sức mạnh đó hiện diện không ngừng, hoặc đoán thấy sức mạnh đó qua một thị kiến tượng trưng (vision symbolique) . Khi đó có xẩy ra một niềm vui bao la, một trạng thái xuất thần , linh hồn cảm thấy say sưa tràn ngập : Thiên Chúa ở đó , và linh hồn ở trong Ngài. Không có huyền bí nào nữa, mọi vấn đề tan biến, mọi tăm tối tiêu tan , đó là một chiếu sáng (illumination) . Nhưng trong bao lâu ? Một niềm lo âu xao xuyến kéo dài trong khi xuất thần rơi xuống và trói buộc linh hồn như bóng tối, linh hồn sung mãn, ngay cả khi không có những trạng thái tiếp theo để phân biệt huyền bí thực sự, hoàn toàn, với giai đoạn chuẩn bị hay tiềm thế (l’imitation anticipée ). Điều đó chứng tỏ rằng linh hồn của nhà huyền bí lớn lao không ngừng lại ở xuất thần. Đó chính là sự nghỉ ngơi, nhưng ở một trạm nghỉ mà máy vẫn còn chạy, sự vận chuyển tiếp tục trong khi rung động tại chỗ và chờ đợi một bước vọt về phía trước. Nói rõ hơn : sự hiệp nhất với Thiên Chúa đã thực là chặt chẽ, nó chỉ là rõ rệt nếu là hoàn toàn. Không có khoảng cách, không có nghi ngờ, giữa tư tưởng và đối tượng của tư tưởng , vì mọi vấn đề đo lường và tạo nên khoảng cách đều bị rơi xuống. Không có sự phân cách căn bản giữa người yêu và người được yêu : Thiên Chúa hiện diện, niềm vui vô bờ. Nhưng nếu linh hồn đắm đuối trong Thiên Chúa, cả tư tưởng và tình cảm, thì một cái gì đó của nó vẫn còn ở ngoài, đó là ý chí. Linh hồn không còn là linh thiêng nữa, nó biết điều đó, một cách mơ hồ nó lo âu về điều đó và hành động đó đi đến nghỉ ngơi là tính chất của huyền bí hoàn toàn. Khi đó "đà tiến "được bắt đầu để đi xa hơn. Sự xuất thần rất ưa thích chiêm ngưỡng và cảm động, nhưng cả ý muốn, và phải đặt nó nơi Thiên Chúa. Khi tình cảm đã lớn lên đến chiếm chỗ toàn thể, sự xuất thần rơi xuống, linh hồn cảm thấy cô độc . Quen thuộc trong một thời gian có sự tràn ngập ánh sáng, nó không còn phân biệt được gì trong bóng tối, nó không còn lưu tâm đến công việc sâu xa được hoàn thành một cách tối tăm. Nó cảm thấy đã mất mát nhiều. Đó là "đêm tối " mà những nhà huyền bí nói tới, và điều đó có lẽ rất có ý nghĩa, trong mọi trường hợp được chỉ rõ trong huyền bí Kitô giáo .

Linh hồn nhà huyền bí thanh lọc khỏi bản chất mình tất cả những gì nhơ bẩn, những gì chống đối, để Thiên Chúa có thể đến gần. Nó đã cảm thấy Thiên Chúa hiện diện, đã tin là nhận thấy Ngài trong cái nhìn tượng trưng, ngay cả đã kết hợp với Ngài trong khi xuất thần. Nhưng những điều đó không kéo dài, tất cả chỉ là chiêm niệm (contemplation) : hành động đem linh hồn về với mình và bởi vậy tách lìa khỏi Thiên Chúa. Như vậy chính Thiên Chúa hành động nơi nó, bởi nó : sự kết hợp là hoàn toàn , rõ rệt . (15 )

Những nhà huyền bí lớn thuờng là đàn ông hay đàn bà hoạt động, có tâm hồn cao thượng, không quan hệ về việc họ có vẻ bất quân bình, hoặc họ cảm thấy, một lúc nào đó, một sự căng thẳng kéo dài trong trí khôn và ý chí . Nhiều thiên tài cũng ở trong cùng trường hợp.

Có nhiều người cho huyền bí chỉ là một sự điên rồ hay phát khùng. Đã hẳn có nhiều người không thể kinh nghiệm được huyền bí, cũng không thể tưởng tượng được huyền bí. Nhưng người ta cũng gặp những kẻ mà âm nhạc đối với họ chỉ là một tiếng động ồn ào, và họ cũng tức bực với âm nhạc. Nhưng không ai có thể rút ra từ đó một luận cứ chống lại âm nhạc.

Mỗi một khuynh hướng huyền bí (hay thần bí - mystique) có một truyền thống. Các nhà huyền bí tự cảm thấy mình đứng tromng một truyền thống, và được nuôi dưỡng bằng truyền thống đó. Cộng đồng tôn giáo đủ giải thích sự giống nhau nơi các nhà huyền bí cùng một truyền thống. Tất cả các nhà huyền bí Kitô giáo đều được nuôi dưỡng bằng Phúc Âm , tất cả đều nhận được cùng một giáo dục về thần học. Nên lưu tâm là nếu sự giống nhau giữa những cái nhìn hay những thị kiến (visions) được giải thích bằng cộng đồng tôn giáo, những cái nhìn đó lại giữ mnột vai trò không quan trọng trong đời sống những nhà huyền bí lớn , nó bị vượt qua ngay và chỉ có một giá trị tượng trưng (16 ), " họ chỉ nghe theo họ, và một bản năng vững chắc hướng dẫn họ đến con người sẽ điều khiển họ một cách rõ rệt trên con đường mà họ muốn tiến bước. Nếu họ bị lạc, các nhà huyền bí của chúng ta không ngần ngại cầu cứu đến huyền năng của họ, và mặc dù sự liên quan trực tiếp của họ với thần thánh, họ cầu cứu cả đến sự định giá cho một tự do tối thượng .( 17 )

Tuy nhiên kinh nghiệm huyền bí dù sao cũng không thể đem đến cho triết gia sự chắc chắn rõ rệt. Kinh nghiệm đó chỉ có thể là chắc chắn nếu triết gia đi đến bằng con đường khác, chẳng hạn kinh nghiệm cảm giác và suy luận trên kinh nghiệm đó coi như một kinh nghiệm cá nhân do đó con người đi đến cảm thông với một nguyên lý siêu việt (principe transcendant ). Sự gặp gỡ, nơi các nhà huyền bí, đi từ kinh nghiệm một cái gì thuộc về đối tượng của họ. Không có nguồn gốc nào của trí thức khác hơn là kinh nghiệm (18 )

Vấn đề được đặt ra là các nhà huyền bí phải chăng chì là những người bất quân bình, phải chăng sự mô tả kinmh nghiệm của họ chỉ là " lập dị chính tông " (fantaisie pure ).

Phải chăng huyền bí chỉ là sự mãnh liệt nhất của đức tin , một hình thức tưởng tượng mà những linh hồn đam mê tôn giáo truyền thống, hay hơn thế trong khi đồng hoá cao độ nhất với tôn giáo, trong khi đòi hỏi tôn giáo đó một xác nhận , trong khi vay mượn tôn giáo cái ngôn ngữ, nhà huyền bí không có một nội dung nền tảng (contenu original) nào vắt kiệt một cách trực tiếp chính nguồn suối của tôn giáo , độc lập với truyền thống của tôn giáo , với thần học, với Giáo hội ?

Theo H. Bergson, trong trường hợp thứ nhất cần phải có triết học. Triết học bỏ qua một bên mạc khải - những định chế, những niềm tin - , cần lưu tâm đến kinh nghiệm và suy luận.

Nhưng trong trường hợp thứ hai, cần lưu tâm đến huyền bí trong trạng thái thuần túy được diễn tả bởi những cái nhìn, những ngụ ngôn , những công thức thần học , đến làm thành một phụ tá mạnh mẽ cho sự tìm kiếm triết học. (19 )

Cũng như Pascal, Bergson, chúng ta đi đến kết luận : Thiên Chúa là tình yêu , và là đối tượng của tình yêu, tất cả vấn đề huyền bí là ở đó (20 )

ĐINH ĐỒNG PHƯƠNG

Trích (chương IV) . Tương quan giữa Con Người và Thiên Chúa trong tư tưởng Pascal.

Saigon , 1969

Chú Thích :

1/ Ngày 23-11-1654, trong một cơn đau bệnh giữa một đêm cô đơn, Pascal đã thực sự được gặp, được cảm thông với Thiên Chúa. Sự cảm thông đó đã gây cho Pascal niềm rung cảm sâu xa, tràn ngập niềm vui, niềm hoan lạc bao la không thể tả. Tất cả biến chuyển đó được ghi lại trên một mảnh giấy và một mảnh da thuộc, hai bản giống nhau, được Pascal viết một cách nắn nót, cẩn thận, cả hai bản được cho vào một túi vải và khâu vào một áo chẽn mang luôn trong mình Pascal. Đó là bản " Mémorial " danh tiếng mà người ta chỉ khám phá ra sau khi Pascal chết. Chính mấy dòng ngắn ngủi trong đó chứa cả nội dung và hướng dẫn cuốn hộ giáo : đó là tiếng kêu chiến thắng của một tín hữu đạt tới mục đích của mình .

2/ J. Russier, La foi selon Pascal. Tome I, P.U.F. 1949. tr 429

3/ J. Russier. Sd, tr 430

4/Bergson, Les deux sources de la morale et de la religion. F. Alcan . 1959. tr 224- 225

5/ Bergson. Sd , tr. 225

6/ - nt- tr 226

7/ - nt – tr. 236

8/ - nt –

9/ -nt- tr. 237

10/ - nt – tr. 241

11/ - nt –

12/ -nt – tr. 242

13/ -nt- tr. 243, 256

14/ -nt- tr. 245

15/ -nt- tr. 247

16/ -nt- tr. 244

17/ De Montmorand, Psychologie des mystiques catholiques orthodoxies, Paris, 1920. tr.17

18/ Bergson. Sd, tr. 265

19/ -nt- tr. 268

20/ -nt- tr. 268