Con Người Có Lý Trí Và Tự Do

Thiên Chúa toàn năng, Đấng Tạo Hoá, với Lý trí siêu việt, đã hoàn tất tiến trình tác thành trời đất và, cuối cùng, tạo dựng nên nhân loại. Người có Tự do toàn quyền trao ban sự hiện hữu và sự sống cho con người chúng ta. Chính vì vậy, người nam và người nữ đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26-27), được mời gọi hãy trở thành dấu chỉ hữu hình và dụng cụ hữu hiệu để tỏ lộ hành vi tặng không của Thiên Chúa khi đặt họ vào vườn để canh tác và trông coi các công trình sáng tạo khác (x. số 26 Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo). Vì giống Thiên Chúa, con người cũng có Lý trí và sự Tự do.

Sau khi, tổ tiên chúng ta đã trái lệnh Thiên Chúa để bị mất nghĩa với Đấng đã tạo nên mình (xem Sáng Thế Ký), Đức Chúa Trời lại ban tặng cho con người Đức Giêsu nhập thế, mang xác phàm như chúng ta, chịu đóng đinh và chết trên cây Thánh Giá, được táng xác và Sống Lại để Cứu Chuộc chúng ta (xem Kinh Tin Kính). Chúa Giêsu là một chứng minh con người có Lý trí và sự Tự do như Thiên Chúa.

Thiên Chúa nhân từ ban cho con người chúng ta Lý trí và Tự do để cùng nhau xây dựng và sống trong Hòa bình, Hạnh phúc. Do đó, khi viết ‘Sưu tập những bản văn của huấn quyền về học thuyết xã hội Công giáo’, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã chọn trích đoạn số 2 Sứ điệp ngày thế giới hoà bình năm 1999:

« Phẩm giá của ngôi vị con người là một giá trị siêu việt, luôn được công nhận như thế bởi những kẻ quyết tâm tìm kiếm chân lý. Tất cả lịch sử nhân loại trên thực tế phải được giải thích dưới ánh sáng của sự đích thực này. Tất cả mọi người, được dựng nên giống hình ảnh và giống Chúa (x St 26-28) và như thế là hướng triệt để về Đấng Sáng Tạo mình, ở trong liên quan thường xuyên với những ai cùng chung một bản tính. Việc khuyến khích điều thiện của cá nhân như vậy chung phần vào việc phục vụ công ích, nơi nào những quyền lợi và những bổn phận tương ứng và tăng cường cho nhau. (Sưu tập những bản văn của huấn quyền về học thuyết xã hội Công giáo số 46) ».

Chúng ta hành động với Lý trí và Tự do Thiên Chúa ban và chịu trách nhiệm về kết quả trước Người và tha nhân.

I./ GƯƠNG THẦY CHÍ THÁNH.

a. Đức Giêsu và quyền hành chính trị.

Đời sống Ngôi Hai Thiên Chúa tại thế gian được ghi lại trong Phúc âm để cho làm chuẩn cho chúng ta theo và được sự trợ giúp của Giáo huấn xã hội Công giáo:

« Dù không đồng ý với sự cầm quyền đàn áp và chuyên chế của các nhà lãnh đạo quốc gia (x. Mc 10,42), cũng như phản đối tham vọng của họ là muốn mọi người gọi mình là ân nhân (x. Lc 22,25), nhưng Đức Giêsu cũng không trực tiếp chống đối các nhà cầm quyền đương thời. Khi đưa ra ý kiến về việc nộp thuế cho hoàng đế (x. Mc 12,13-17; Mt 22,15-22; Lc 20,20-26), Người cũng khẳng định rằng phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, gián tiếp lên án mọi toan tính biến quyền bính trần gian thành quyền bính thần linh hay tuyệt đối: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi mọi sự từ phía con người. Nhưng đồng thời quyền bính trần gian cũng được quyền đòi những gì thuộc về mình: Đức Giêsu không coi việc nộp thuế cho hoàng đế là chuyện bất công.

Đức Giêsu – vị Mêsia được hứa trước – đã phản đối và đã vượt thắng sự cám dỗ của chủ nghĩa cứu thế bằng chính trị, mà điển hình là bắt các dân tộc chịu khuất phục mình (x. Mt 4,8-11; Lc 4,5-8). Người là Con Người xuất hiện "để phục vụ và để hy sinh tính mạng mình" (Mc 10,45; x. Mt 20,24-28; Lc 22,24-27). Khi nghe các môn đệ tranh cãi xem ai lớn nhất, Đức Giêsu đã dạy họ phải biến mình thành người nhỏ bé nhất và làm tôi tớ mọi người (x. Mc 9,33-35); Người đã chỉ cho hai con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan, đang muốn xin giữ hai vị trí tả hữu bên Người, con đường thánh giá phải đi (x. Mc 10,35-40; Mt 20,20-23) » (Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo số 379).

b. Nước tôi không thuộc về thế gian này…

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nghe bài Thương khó theo Thánh Gioan ‘Đức Giêsu bị điệu ra trước tổng trấn Phi-la-tô’, Đức Giêsu trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này… Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này" và "Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật."

Như vậy, Chúa Giêsu nhắc chúng ta đời sống hiện tại chỉ là ‘trên đường lữ thứ trần gian’ để hành trình về nơi Người đáp ‘không thuộc về thế gian này’.

c. Kinh Lạy Cha.

Do đó, trong kinh ‘Lạy Cha’, Chúa Giêsu cầu nguyện Đức Chúa Cha cho ‘hôm nay lương thực hằng ngày’ và Người đã là gương sống thanh bạch: sinh ra ‘trong máng cỏ’ (Luca 2, 12) và tắt thở trên thập giá (Luca 22, 33 và 46).

II. HÀNH ĐỘNG THEO LÝ TRÍ VÀ TỰ DO.

A. Cầu nguyện cho người bị tù oan.

1. Trường hợp ông Cù huy Hà Vũ.

Ông Cù huy Hà Vũ, sinh ngày 02.12.1957 tại Hà Tĩnh, tiến sĩ luật đại học Sorbonne (Paris, Pháp), thuộc một gia đình của những nhà thơ lớn và cũng là những công thần của Nhà nước Cộng sản như Huy Cận (cha), Xuân Diệu (cậu ruột).

Ngày 04.11.2010, Tổ kiểm tra Công an phường 11, quận 6, TP. Hồ chí Minh kiểm tra hành chính tại phòng 101, khách sạn Mạch Lâm có một đôi nam nữ (ông Hà Vũ và bà Hồ Lê Như Quỳnh, sinh năm 1974, luật sư Hội Luật gia TP Hồ chí Minh) đang có hành vi quan hệ bất chính mà không phải là quan hệ vợ chồng, với bằng cớ rõ ràng là đã tìm thấy hai bao cao su được sử dụng. Công an đã kiểm tra máy vi tính cá nhân của ông Vũ và phát hiện nhiều tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước. Sau đó, công an đã tiến hành khám xét nhà riêng của ông Vũ ở phố Điện biên phủ, Hà nội.

Ngày 06.11.2010, trả lời họp báo về vụ việc, Trung tướng công an Hoàng Kông Tư nói rằng: « Các chứng cứ, tài liệu do các cơ quan chức năng thu được đã chứng minh ông Cù Huy Hà Vũ có những hành vi phạm luật theo Điều 88 Bộ luật hình sự. »

Ngày 15.11.2010, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà nội đã khởi tố và ra lệnh tạm giam ông Vũ và ngày 17.12.2010, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hà nội đã ra cáo trạng truy tố ông Vũ về tội danh trên.

Người dân cũng nhớ rằng ông Vũ đã từng nạp đơn kiện Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng về quyết định khai thác bô-xít Tây Nguyên, nhưng đơn kiện đã bị bác bỏ. Sau đó, ông cũng bị bác đơn tình nguyện làm luật sư bào chữa cho giáo dân Cồn dầu Đà nẵng.

Con người có Lý trí biết suy đoán những hành động và những phát biểu của ông Hà Vũ không thể kết thành tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước’, nên ông cần phải được Tự Do. Do đó, các cá nhân và tập thể đồng bào lên tiếng yêu cầu Nhà nước trả Tự do cho ông Hà Vũ vì Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 vi hiến tức trái với Hiến pháp Việt Nam đã quy định quyền của công dân Việt Nam là được tự do ngôn luận, tự do báo chí (Điều 69 Hiến pháp Việt Nam qui định: « Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật »). Luật Việt Nam thường vi hiến vì quốc gia không có Tối cao Pháp viện hay Viện Bảo hiến để xét tính cách hợp hiến như thời Việt Nam Cộng hoà hay tại các quốc gia có tam quyền phân lập.

Chẳng bao lâu sau đó, các tổ chức nhân quyền ngoại quốc cũng đề nghị Nhà nước Việt Nam trả Tự do cho ông Hà Vũ vì việc bắt giữ này vi phạm Điều 19 Công ước Quốc tế Quyền Dân sự và Chính trị: (1/ Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.

2/ Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

3/ Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:

a/ Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.

b/ Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý). Việt Nam không phải tôn trọng Công ước này nếu chính phủ đừng ký vào năm 1982).

Tất cả những yêu cầu đó đều không được đáp ứng và phiên toà sơ thẩm xét xử lúc đầu định vào ngày 24.03.2011 tại Tòa án nhân dân Hà nội.Sau dời vào ngày 04.04.2011, không biết có phải để tránh tang lễ chôn cất ông Trịnh xuân Tùng, bị trung tá công an Nguyễn văn Ninh đánh gãy cổ và chết trong bệnh viện, cử hành ngày 23.03.2011.

Trước phiên xử, luật sư Nguyễn thị Dương Hà, phu nhân ông Cù huy Hà Vũ, sau khi tố cáo các hành vi vi hiến và trái luật của công an các cấp về việc bắt giam và khởi tố ông Hà Vũ và bị rút giấy phép bào chữa cho chồng, đã đến Giáo xứ Thái hà để xin cầu nguyện cho Công Lý và Sự Thật vào tối 02 và 03.04.2011 cho chồng.

Trả lời phỏng vấn của chị Khánh An, phóng viên đài Á châu Tự do, Linh mục Vũ khởi Phụng, Chánh xứ Giáo xứ Thái Hà cho biết: « Giáo xứ không có lý do gì để từ chối việc cầu nguyện vì chính gia đình anh Vũ đã đến đây xin giáo xứ Thái Hà cầu nguyện cho anh khi anh sắp sửa ra tòa. Trong vụ án này, có những cái xem ra vi phạm nghiêm trọng vấn đề công bình và nhân phẩm, không trong sáng trong vụ bắt và xử anh. Vì thế, cầu nguyện không chỉ vì cá nhân anh Vũ nhưng mà vì cái vấn đề chung của xã hội là cần sự trong sáng, cần quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, cần một sự thẳng thắn về mặt pháp lý. Do đó, Thái Hà đồng ý có buổi cầu nguyện cho anh Vũ và cho vấn đề Công bình và Nhân phẩm trong xã hội.

Gia đình anh không là người Công giáo nhưng Thái Hà vẫn luôn luôn có những buổi cầu nguyện khi có chuyện gì xảy ra trong xã hội như khi có thiên tai, như động đất ở Trung quốc, Nhật bản hay Miến điện, như vụ các giáo dân Tam Tòa hay Cồn Dầu. Chúng tôi tưởng đây là một trường hợp rất quý bởi vì người ta có nghĩ tới sự thành tâm của mình trong đức tin thì người ta mới xin mình cầu nguyện.

Nếu có một ‘sự nhạy cảm’ nào đấy thì do hoàn cảnh tự nhiên đưa đến thôi, chứ còn giáo xứ Thái Hà không chủ trương tạo ra những tình hình nhạy cảm. Đôi khi giáo xứ Thái Hà gặp phải những tình hình tự bản chất của nó là nhạy cảm chứ không phải là do Thái Hà gây ra. Tôi không thấy có vấn đề gì cả bởi vì cầu nguyện là một bổn phận của mọi giáo xứ. Xưa nay trong Hội thánh vẫn cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình thì vụ này cũng như thế. Còn nếu mà vì vụ này mà sinh ra cái gì đấy gọi là nhạy cảm hay phiền phức thì cái đó là ngoài ý muốn của giáo xứ Thái Hà. »

Chúng tôi xác tín hoàn toàn: Do ‘Con người có Lý trí và Tự do’, hai bà Dương Hà và Cù thị Xuân Bích, em gái ông Hà Vũ, đã chọn giáo xứ Thái Hà để mời cùng dâng Thánh Lễ và đốt nến cầu nguyện với nhiều ngàn Kitô hữu. Sau đó, những giáo xứ khác cũng hiệp thông cầu nguyện.

Nhắc đến giáo sĩ và giáo dân Thái Hà, chúng ta nhớ đến hai cuộc tuần hành ra tòa các ngày 08.12.2008 và 27.03.2009 đã thu hút sự chú ý của đồng bào trong nước và giới quan sát nước ngoài:

- những cuộc tuần hành trật tự và hiên ngang để không bị đàn áp đem lại niềm hy vọng cho những nhóm sinh viên bày tỏ ‘Hoàng sa, Trường sa của Việt-Nam’, tín đồ các tôn giáo đòi tự do cho đạo của mình…

- nhiều nhân viên ngoại giao và ký giả nước ngoài, dự phiên tòa sơ thẩm, góp ý nhà nước cần đối thoại với công giáo. Nhưng, rất tiếc, ngày nay, lãnh đạo công giáo không đồng quan điểm về cách thức đối thoại với nhà nước.

Thật vậy, giáo sĩ và giáo dân giáo xứ Thái Hà đã tìm hiểu và thực hành hai nguyên tắc Bổ trợ và Liên đới kết hợp với những nguyên tắc của Học thuyết xã hội Công giáo mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong bài sau.

2. Trường hợp Ls Lê Quốc Quân và Bs Phạm Hồng Sơn.

Lúc 8 giờ ngày 04.04.2011, nhiều đồng bào đã tới khu vực Tòa án nhân dân Hà nội, 43, Hai Bà Trưng, Quận Hoàn kiếm, Hà nội, để theo dõi ‘Phiên tòa công khai’ xét xử ông Cù Huy Hà Vũ, đã bị công an, cảnh sát cơ động… trang bị công cụ, dùi cui điện tấn công , đánh đập, bắt giữ người vô cớ, trái pháp luật. Công an đối phó với những người bị bắt như sau :

- Đa số bị cảnh sát dùng những biện pháp bạo lực chở bằng xe bus đến vùng xa xôi đổ xuống, phải tìm phương tiện riêng về nhà ;

- Những người bị bắt giữ trái pháp luật được biết tên là : Luật sư Giuse Lê Quốc Quân, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Paulus Lê Sơn và các sinh viên Vinh tại Hà Nội vào đồn công an. Những người này bị thu giữ, cướp tài sản công khai, nhưng, khi bị bắt vào đồn công an, đã từ chối lăn tay, chụp hình ảnh… những công đoạn chỉ được làm sau khi khởi tố vụ án ;

- Từ giữa đêm khuya, lần lượt nhiều người được thả, ngoại trừ Ls Lê Quốc Quân và Bs Phạm Hồng Sơn đã được ưu tiên đưa ngay về Công an Quận Hoàn Kiếm, đồng thời một lệnh khám nhà ngay lập tức được thực hiện trong đêm, bất chấp sự vắng mặt các chủ nhà. Tại sao các vị này bị Bộ Công an ‘chiếu cố’ ?

a/ Bác sĩ Phạm Hồng Sơn từng bị bắt ngày 06.03.2002, sau khi dịch tài liệu ‘Thế nào là dân chủ’ để ‘Xin kính tặng tất cả những người khao khát Tự do, Hòa bình và mưu cầu một Cuộc sống đầy đủ trên đất nước Việt Nam’ từ một bài viết đăng trên trang mạng của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam và kèm với bài ‘Những Tín Hiệu Đáng Mừng Cho Dân Chủ Tại VN’ tới ông Nông Đức Mạnh,, Tổng bí thư Đảng Cộng sản và các cơ quan truyền thông. Ngày 27.03.2002, ông bị công an bắt giữ. Oâng không được phép gặp mặt vợ con trong 15 tháng giam chờ ra tòa. Bị xử kín ngày 18.06.2003, ông bị tuyên án 13 năm tù vì tội gián điệp. Trong phiên phúc thẩm, mức án được giảm còn 5 năm tù, 3 năm quản chế. Cuối tháng 08.2006, ông được đặc xá để về nhà dưỡng bệnh và bị quản thúc tại gia 3 năm.

b/ Luật sư Lê Quốc Quân được Nhà nước đồng ý cho sang Hoa kỳ theo chương trình nghiên cứu sinh của Tổ chức Hỗ trợ Dân chủ tại Washington. Trở về Hà Nội ngày 06.03.2007 sau khi hoàn tất việc nghiên cứu, ông đã bị nhà cầm quyền bắt giữ từ hôm 08.03.2007 và giam tại trại của bộ Công an vì vi phạm điều 79 bộ luật hình sự, là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Họ nghi ngờ như thế vì ông đã nói ông muốn làm luật sư cho người nghèo, rồi anh cũng bảo anh muốn bảo vệ lợi ích của các công nhân. Nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, ông được trở về nhà ngày 13.07.2007. Ngày 25.01.2008, ông cũng đã bị hành hung khi công an tấn công giáo dân trong buổi cầu nguyện tập thể với sự tham dự của khoảng 100 linh mục và nhiều ngàn tín hữu Công giáo tại Toà Khâm sứ ở Hà nội hôm 25.01.2008 để yêu cầu nhà nứơc trả lại đất đai chiếm dụng của Giáo hội. Hiện nay, Luật sư Quân là Trưởng ban liên lạc Cộng đoàn Doanh nhân-Trí thức Công giáo và là Ủy viên Ban Công lý-Hòa bình Giáo phận Vinh.

Do đó, tối ngày 04.04.2011, Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội ra Tuyên cáo phản đối nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm nhân phẩm, quyền tự do cá nhân, đánh đập, bắt giữ người và thu giữ tài sản trái pháp luật. Đồng thời, Cộng đoàn yêu cầu họ trả tự do lập tức cho những người bị giam trái pháp luật và trả lại các tài sản bị thu giữ bởi công an. Ngoài ra, 20 giờ tối hôm đó, tại đền Thánh Giêrado Giáo xứ Thái Hà, hơn 200 thành viên của Cộng đoàn Vinh đã hiệp thông cầu nguyện cho Công lý và Bình an cho các thành viên.

Ngày 12.04.2011, Cộng đoàn này đã ra Tuyên cáo số 2 về việc ‘Nhà cầm quyền bắt giữ trái phép luật sư Lê Quốc Quân’ để yêu cầu trả tự do ngay luật sư và ngăn chặn những hành động tùy tiện, đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật của công an. Tuyên cáo được ký bởi anh Gioan Baotixita Cao Xuân Linh và Linh mục Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR, linh hướng.

Cùng ngày, Cộng đoàn Doanh nhân-Trí thức Công giáo Việt Nam cũng ra Tuyên cáo về việc Nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ trái pháp luật Ls Lê Quốc Quân về tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ vì nhiều nhân chứng cùng đứng tại chỗ ông bị bắt đã khẳng định ông không hề có hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc bất cứ hành vi nào khác ngoài thái độ ôn hòa, xử sự đúng với quyền hạn của một công dân theo quy định của pháp luật. Tuyên cáo này được ký bởi bà Maria Trần Thị Hường, đại diện, và Linh mục Giuse Nguyễn văn Phượng, CSsR, linh hướng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội ngày 04.04.2011, lúc 19 giờ 30 ngày 05.04.2011, khi anh chị em Cộng đoàn Vinh tại Hà nội dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Luật sư Quân, một thành viên cộng đoàn, đang bị giam cầm trái luật, thì, trong tâm tình hiệp thông mạnh mẽ với Cộng đoàn, cách đó trên 300 cây số, tại Thành phố Vinh quê hương, cộng đoàn sinh viên nơi đây cũng đã thắp nến cầu nguyện tại nhà thờ Cầu Rầm với đông đảo bạn trẻ là sính viên và giáo dân tham dự. Mọi người cầu nguyện cho các chứng nhân của Công Lý-Sự thật và cho các gia đình Tiến sĩ Cù huy hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn cùng cho chị Thủy, một giáo dân Tam Tòa đã bị bách hại quá lâu qua biến cố Tam Tòa và hiện đang bị giam giữ tại Trại giam Nghi Kim, Nghệ An. Trong buổi cầu nguyện, một lần nữa những hình ảnh sống động, trung thực trong phiên Tòa và những gì diễn ra bên ngoài phiên Tòa cũng như những tình tiết chính xác liên quan tới việc bắt Luật sư Quân khi anh ấy đang khoanh tay, ôn hòa trên vỉa hè ngoài khu vực xét xử… đã được phát chiếu lên màn hình lớn cho giáo dân và sinh viên tường tận những gì đã xảy ra.

Trong những ngày sau đó, nhiều Thánh lễ, thắp nến với hàng ngàn người tham dự được cử hành cầu bình yên cho những người vô tội bị giam giữ, tù tội bởi những phiên tòa vi luật từ Giáo xứ Thái hà được hiệp thông tổ chức rộng khắp đến các giáo xứ khác như Bến đến, Lập thạch, Yên đại và Đồng tháp (Giáo phận Vinh), Thanh minh (Thái bình) và Hà nội.

Nhờ thế, người chưa là Kitô hữu có dịp đến để cùng cầu nguyện, tìm hiểu Đức Kitô, chia sẻ những nổi buồn, niềm hy vọng… Bởi thế, chị Vũ thúy Hà, hiền thê Bs Phạm Hồng Sơn, đã nói với nữ phóng viên Khánh An (đài Á châu Tự do, RFA) ngày 12.04.2011 :

« Trước hết, tôi phải nói là tôi có được đến dự một buổi cầu nguyện vào tối hôm thứ Sáu ngày 8/4 vừa qua, tôi cảm thấy rất ấm lòng với tình cảm, sự chia sẻ rất nhiệt tình của đồng bào Công giáo ở Thái Hà và các cha ở đó. Tôi rất lấy làm cảm ơn về những tấm lòng đó. Tôi nghĩ là mỗi người một tiếng nói, mỗi người một lời cầu nguyện thì những người nhà của chúng tôi là anh Phạm Hồng Sơn và anh Lê Quốc Quân, dù ở trong tù chắc cũng cảm nhận được sự đùm bọc, sự lên tiếng, yêu thương của đồng bào đối với các anh.

Tôi nghĩ rằng mỗi người một tiếng nói, một tấm lòng thì sẽ giúp được cho việc đòi công lý sớm cho chúng tôi. »

Tối ngày 13.04.2011, Ls. Lê Quốc Quân và Bs. Phạm Hồng Sơn đã rời trại giam Hỏa Lò và đến Giáo xứ Thái hà để chào cộng đoàn đang tham dự tĩnh tâm mùa Chay. Cha Bề trên Mátthêu Vũ khởi Phụng, quý Cha, quý Thầy và giáo dân đã đón tiếp hai anh trong vui mừng và xúc động. Hai người vợ yêu quý của hai anh cũng đến chia sẻ niềm vui lớn lao này.

Luật sư Quân chia sẻ rằng khi bị đưa về trại giam chung với các tù hình sự, nhưng trong phòng anh có một biểu tượng hình Thánh Giá và anh lấy làm hạnh phúc. Khi các cán bộ quét vôi lại toàn bộ tường phòng giam, anh đã nhất quyết không cho xóa đi hình ảnh này. Hàng ngày, anh siêng năng đọc kinh cầu nguyện sáng, trưa, chiều tối để Đức Tin trợ giúp anh chiến thắng.

Bác sĩ Sơn, tuy chưa phải là người theo đạo, nhưng có một niềm tin mãnh liệt nơi Thượng Đế, tin sự thật và công bằng đã giúp anh chiến thắng trong những ngày anh bị giam cầm. Anh tin vào lẽ phải, sự thật, và vững vàng trên con đường mình đã chọn. Anh tri ân và cảm động trước những tình cảm của cộng đồng giáo dân dành cho anh. Anh hy vọng mọi người luôn nghĩ tới và cầu nguyện cho các anh nhiều hơn nữa trong công cuộc tìm kiếm Công Lý-Sự Thật-Hòa Bình, và một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam.

Trong niềm vui mừng, hoa nến và nước mắt, mọi người hiện diện tri ơn

Thiên Chúa đồng hành, yêu thương và chở che cùng cầu nguyện cho Công Lý-Sự Thật sớm ngự trị trên Đất Việt tốt đẹp và an bình.

Theo nguyệt san ‘Dân Chúa Âu châu’ số 343 tháng 05.2011, chính thái độ cương quyết của Đức cha Nguyễn thái Hợp, Giám mục Vinh kiêm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam: ‘Nhà nước phải thả người, chấm dứt bắt giữ. Nếu điều này không được thực hiện, thì ngay cả chúng tôi cũng không thể kiểm soát hoặc ngăn chận việc cầu nguyện của giáo dân, vốn đúng Giáo lý, Giáo luật và Pháp luật, chẳng ai có quyền cấm cản’. Sau đó, chính Ngài ký tên vào kiến nghị đòi thả TS. Cù Huy Hà Vũ…

Tín hữu Công giáo, ngoài Tin Mừng Cứu độ hướng dẫn cuộc Sống đạo noi gương Đức Kitô, còn có Học thuyết xã hội Giáo hội giúp chúng ta hành động đối với tha nhân, đồng bào.

B. Mục đích Học thuyết xã hội.

Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô, Đấng chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14,6), tiếp tục ngỏ lời với mọi dân tộc và mọi Quốc gia, vì ơn cứu độ chỉ được ban cho con người nhân danh Đức Kitô. Sự cứu độ, mà Chúa Giêsu đã phải trả ‘bằng một giá đắt’ (1 Cr 6,20; x. 1 Pr 1,18-19). Sự cứu độ ấy cũng đang thâm nhập vào thế giới này qua các thực tại của kinh tế và lao động, công nghệ và truyền thông, xã hội và chính trị, cộng đồng Quốc tế và các mối quan hệ giữa các nền văn hoá và giữa các dân tộc. ‘Đức Giêsu đến để mang ơn cứu độ toàn diện mỗi con người và toàn thể nhân loại, đồng thời mở ra một triển vọng rất kỳ diệu, là mọi người được nhận làm con Thiên Chúa’ (số 1). Tình yêu hướng đến một phạm vi hoạt động rộng lớn và Giáo Hội hăng hái đóng góp vào đấy qua học thuyết xã hội của mình, một học thuyết quan tâm đến con người toàn diện và được gửi tới cho hết mọi người (số 5).

Kitô hữu có thể tìm thấy trong Học thuyết xã hội của Giáo hội những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động. Đó là bước đầu để đẩy mạnh nền nhân bản toàn diện và liên đới. Bởi thế, việc phổ biến cho mọi người biết học thuyết này là một công tác mục vụ ưu tiên, nhờ đó mọi người sẽ được học thuyết này soi sáng, hầu có thể giải thích các thực trạng hiện nay và tìm ra những hướng hành động thích hợp: ‘Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội’ (số 7). Tài liệu này là công cụ giúp chúng ta phân định về mặt luân lý và mục vụ các biến cố phức tạp xảy ra trong thời đại hôm nay (số 10).

Học thuyết Xã hội Công giáo xây dựng trên trên nền móng điều răn Yêu Thương của Chúa Giêsu: kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như bản thân. Điều răn này cũng là nền tảng luân lý Kitô Giáo. Chúa Giêsu dạy kính Chúa yêu người không những là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất, nhưng còn là một bản tóm lược toàn bộ luật lệ của Thiên Chúa và sứ điệp của các Tiên tri.

1. Nguyên tắc: Bổ trợ.

Các quyết định của xã hội phải đưa ra ở mức thấp nhất có thể, nghĩa là ở mức gần nhất đối với những ai chịu ảnh hưởng của quyết định. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới gia đình, các thực thể địa phương; nói khác đi, không quan tâm tới toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng đã tự động tạo ra vì chúng giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội một cách hiệu quả (số 185).

Bổ trợ chính là một nguyên tắc quan trọng nhất của ‘triết học xã hội’. ‘Thật sai lầm khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của họ để trao cho cộng đồng; cũng thật là bất công và tai hại, làm xáo trộn trật tự đúng đắn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ’. Mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải giúp đỡ – tức hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn (số 186).

Nhờ nguyên tắc này, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Nguyên tắc này chống lại một số hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của nhà nước trong guồng máy công cộng (số 187).

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ‘nhấn mạnh các giới hạn cần thiết đối với việc can thiệp của nhà nước và nhấn mạnh bản chất công cụ của nhà nước, vì cá nhân, gia đình và xã hội đã có trước nhà nước, và vì nhà nước tồn tại là để bảo vệ các quyền của họ chứ không phải để áp bức họ’ (Centesimus Annus số 11).

2. Nguyên tắc: Liên đới.

Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn (số 192). Đây là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý (số 193). Sự liên đới có những mối tương quan mật thiết với công ích, với mục tiêu phổ quát của của cải, với bình đẳng giữa con người và với hoà bình (số 194).

Ngoài ra, dù khi bị bách hại, Kitô hữu được thánh Phaolô khuyên cầu nguyện cho các nhà cầm quyền để gián tiếp cho thấy đâu là điều mà chính quyền phải lo bảo đảm: đó chính là một đời sống thanh bình và yên ổn nhờ sống có đạo đức và phẩm cách (x. 1 Tm 2,1-2). Tín hữu Đức Kitô hãy ‘sẵn sàng làm mọi việc tốt’ (Tt 3,1), cần tỏ ra ‘lịch thiệp hoàn hảo với hết mọi người’ (Tt 3,2), không quên rằng mình được cứu rỗi không phải do những công nghiệp của chính mình, mà do lòng thương xót của Chúa (số 381).

Ghi chú : các số trong bài là những con số trích trong ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.

Trong những ngày đầu tháng 05.2011, nhiều bài hay đăng trên các báo mạng, nhưng hai trong đó đã gây sự chú ý đặc biệt nơi chúng tôi: ‘Chuyện kể của một Giám Mục Việt Nam’ được phổ biến trên nhiều báo mạng và ‘"State priests'', a real challenge for the Vietnamese Church’trên Asia-News. Từ hai bài đó, chúng ta sẽ lướt qua những bài cần thiết khác.

Tuy nhiên, chúng ta cùng bắt đầu bài này với vài đoạn trong Chương 8 ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ có tựa đề ‘Cộng đồng chính trị’.

I. NỀN TẢNG VÀ MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ.

A. Cộng đồng chính trị, con người và dân tộc.

Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị. Con người, có lý trí Thiên Chúa ban, chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình và có thể cho những dự tính mang lại ý nghĩa cho cuộc sống trên bình diện cá nhân lẫn xã hội. Tính cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân là đặc điểm và là nét đặc trưng của con người. Chỉ như vậy, con người mới đạt được sự thành toàn bản thân cách trọn vẹn và đầy đủ. Như thế, con người, một hữu thể có bản tính xã hội và chính trị, nên ‘đời sống xã hội không phải là một cái gì thêm vào’ mà là một khía cạnh thiết yếu và không thể phai mờ.

Cộng đồng chính trị phát sinh từ tính cởi mở ấy của con người; lương tâm hướng dẫn con người biết và thúc đẩy con người nghe theo trật tự mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong hết mọi thụ tạo: ‘một trật tự luân lý và tôn giáo. Trật tự này là tiêu chuẩn hữu hiệu nhất giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống trong tư cách là cá nhân cũng như là thành viên của xã hội’. Trật tự này cần phải dần dần khám phá và phát triển trong tình nhân loại. Cộng đồng chính trị, một thực tại đã có sẵn nơi con người, hiện hữu để hoàn thành một mục tiêu: sự phát triển trọn vẹn mỗi thành viên trong cộng đồng, được mời gọi cộng tác với nhau bền bỉ để đạt được công ích, dưới sự thúc đẩy của các khuynh hướng tự nhiên hướng con người đến những gì là chân là thiện (số 384).

Cộng đồng chính trị đạt được chiều hướng đích thực của mình là nhờ biết tham khảo nhân dân: ‘cộng đồng chính trị là và cần phải là một đơn vị hữu cơ, có tổ chức của một dân tộc đích thực’. Danh từ ‘nhân dân’ không có nghĩa là một đám đông không có hình thù, một quần chúng thụ động, dễ dàng bị điều khiển và bị lợi dụng, nhưng đó là một tập thể những con người, trong đó người nào cũng có thể có ý kiến riêng về các vấn đề chung và được tự do bày tỏ những quan điểm chính trị riêng của mình, đồng thời tận dụng những ý kiến và quan điểm ấy để làm lợi cho công ích, ‘trong vị thế đúng với mình và theo đường lối riêng của mỗi người’. Thực tại nhân dân ‘tồn tại trong đời sống sung mãn của mọi người nam lẫn nữ, mà từ đó nhân dân được hình thành, và trong đó mỗi người… ý thức trách nhiệm riêng và những xác tín riêng của mình’. Những thành viên liên kết thành một cộng đồng chính trị một cách có tổ chức thành một dân tộc, vẫn duy trì được sự tự trị không thể chối bỏ ở mức độ hiện hữu cá nhân và đối với những mục tiêu mình theo đuổi (số 385).

Đặc điểm trước tiên của một dân tộc là cùng nhau chia sẻ cuộc sống và các giá trị, mà đây chính là nguồn đem lại sự hiệp thông trên bình diện tâm linh và luân lý. ‘Xã hội loài người phải được coi đầu tiên như một điều có liên hệ tới tâm linh. Nhờ đó, dưới ánh sáng chân lý, con người sẽ chia sẻ cho nhau sự hiểu biết, thi hành các quyền lợi và chu toàn các bổn phận, được thúc giục đi tìm các giá trị tâm linh, cùng nhau thu nhận niềm vui chân chính từ vẻ đẹp của bất cứ trật tự nào, luôn sẵn sàng truyền lại cho người khác điều hay cái đẹp trong kho tàng văn hoá của mình, hăng hái phấn đấu một cách tích cực để biến những thành tích thiêng liêng của người khác thành của mình. Những thiện ích này không chỉ gây ảnh hưởng mà đồng thời còn mang lại mục tiêu và tầm vóc cho tất cả những gì có liên quan tới các hình thái diễn đạt văn hoá, các định chế kinh tế và xã hội, các phong trào và hình thức chính trị, luật pháp, và các cơ chế khác, nhờ đó xã hội được thể hiện ra bên ngoài cách cụ thể và được phát triển không ngừng’ (số 386).

B. Bênh vực và phát huy các quyền con người.

Xem con người là nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị có nghĩa là trước hết phải nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người: ‘Hiện nay, công ích được thật sự bảo đảm là khi các quyền và nghĩa vụ của con người được tôn trọng’. Trong các quyền lợi và nghĩa vụ của con người đã thu hẹp các đòi hỏi luân lý và pháp lý chính yếu, là những đòi hỏi phải chi phối việc xây dựng cộng đồng chính trị. Những đòi hỏi này tạo nên một chuẩn mực khách quan, mà Luật thiết định sẽ căn cứ vào đó mà thành hình, cũng là những chuẩn mực mà cộng đồng chính trị không thể bỏ qua, vì xét theo thứ tự hiện hữu cũng như xét theo thứ tự mục tiêu cuối cùng, con người luôn đi trước cộng đồng chính trị. Luật thiết định phải bảo đảm làm sao cho các nhu cầu căn bản của con người được đáp ứng (số 388).

Cộng đồng chính trị theo đuổi công ích, nhằm tìm cách tạo ra một môi trường nhân bản, cho phép các công dân thực thi các nhân quyền và thi hành trọn vẹn các nghĩa vụ tương ứng của mình. ‘Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng nếu các chính quyền không có những hành vi thích hợp đối với các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hoá, thì các sự bất bình đẳng giữa các công dân sẽ càng ngày càng lan rộng, nhất là trong thế giới hiện nay, và kết quả là các quyền của con người sẽ trở nên vô hiệu hoàn toàn, việc thi hành các nghĩa vụ sẽ bị phương hại’.

Để thực hiện được công ích cách trọn vẹn, cộng đồng chính trị cần phải đẩy mạnh những hành động có hai mặt bổ sung cho nhau, là vừa bảo vệ vừa phát huy các nhân quyền. ‘Không thể để xảy ra tình trạng một thiểu số (cá nhân hay tập thể) được hưởng lợi thế do các quyền của họ được bảo vệ một cách ưu tiên. Cũng không nên để xảy ra tình trạng trong lúc tìm cách bảo vệ các nhân quyền, các chính phủ vô tình biến mình thành trở ngại không cho các công dân bày tỏ trọn vẹn và sử dụng tự do các quyền ấy của mình’ (số 389).

C. Đời sống xã hội dựa trên tình hữu nghị giữa các công dân.

Đời sống dân sự và chính trị có ý nghĩa sâu xa không phải trực tiếp từ những bản danh sách liệt kê các quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Nhưng đời sống trong xã hội có được đầy đủ ý nghĩa là do nó được xây dựng dựa trên tình hữu nghị giữa các công dân và dựa trên tình huynh đệ. Thật vậy, nói tới các nhân quyền là nói tới các lợi ích của con người được bảo vệ, nói tới sự tôn trọng bên ngoài dành cho con người, và nói tới các của cải vật chất được bảo vệ, cũng như được phân phối theo luật định. Tình hữu nghị còn là nói tới thái độ vô vị lợi, thái độ siêu thoát đối với của cải vật chất, cũng như sự cho đi cách tự nguyện và đón nhận các nhu cầu từ người khác cách chân thành. Tình hữu nghị công dân, được hiểu theo ý này, chính là sự thực hiện đúng đắn nhất nguyên tắc huynh đệ, là nguyên tắc không thể tách khỏi nguyên tắc tự do và bình đẳng. Phần nhiều, nguyên tắc này chưa được ứng dụng trong hoàn cảnh cụ thể ở các xã hội chính trị hiện nay, chủ yếu là do ảnh hưởng quá lớn của các ý thức hệ cá nhân chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa (số 390).

Một cộng đồng có nền tảng vững chắc là khi nó nhắm đến sự phát huy toàn diện của con người và của công ích. Trong trường hợp đó, luật pháp được xác định, được tôn trọng và tồn tại tùy theo thái độ liên đới và xả thân cho người lân cận của mình. Công lý đòi mỗi người phải được hưởng những ích lợi và quyền hạn của mình; có thể xem đó là mức tối thiểu của tình yêu thương. Đời sống xã hội càng trở nên nhân bản hơn khi xã hội ấy có đặc điểm là cố gắng làm cho mọi người nhận thức một cách trưởng thành hơn cái lý tưởng mà họ đang nhắm tới, tức là xây dựng một ‘nền văn minh tình yêu’.

Con người là một ngôi vị chứ không chỉ là một cá thể. Thuật ngữ ‘ngôi vị’ muốn nói rằng đó là ‘một bản tính được phú cho trí khôn và ý chí tự do’: bởi đó, con người là một thực tại cao quý hơn nhiều, chứ không phải chỉ là một chủ thể với những nhu cầu xuất phát từ chiều hướng vật chất của mình. Thật vậy, dù tích cực tham gia vào các dự tính được định ra nhằm thoả mãn các nhu cầu của mình trong phạm vi gia đình, trong xã hội dân sự và chính trị, con người vẫn không thấy mình được phát triển trọn vẹn bao lâu chưa vượt lên trên cách nghĩ về các nhu cầu và chưa mở ra cho hành động vô vị lợi và hiến tặng, phù hợp hoàn toàn với yếu tính và thiên hướng cộng đồng của mình (số 391).

Điều răn bác ái của Phúc Âm soi sáng cho Kitô hữu thấy ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chính trị. Để làm cho cộng đồng chính trị trở nên thật sự nhân bản, ‘không có cách nào tốt hơn là… cổ vũ ý thức nội tâm về công lý, lòng nhân hậu và việc phục vụ công ích, đồng thời củng cố các niềm xác tín nền tảng về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị, về việc thực thi cách đúng đắn và về các giới hạn của công quyền’. Mục tiêu mà các tín hữu phải đặt ra trước mặt mình luôn luôn là làm sao thiết lập các mối quan hệ cộng đồng giữa mọi người. Quan điểm Kitô giáo về xã hội chính trị đặt tầm quan trọng hàng đầu trên giá trị của cộng đồng, coi đó vừa là mô hình tổ chức đời sống trong xã hội vừa là một lối sống hằng ngày (số 392).

II. CHUYỆN KỂ CỦA MỘT GIÁM MỤC VIỆT NAM.

Mục Tử Chân Chính không nhượng bộ trước bất công, không thoả hiệp với bóng tối, trả lời người chất vấn khi:

- bị cấm đoán khi đi dâng lễ cho những cộng đoàn tín hữu ở vùng sâu và heo hút vào các dịp Đại Lễ, ngài cho rằng viên chức cấm đoán quá dại vì, nếu để tôi ngày tự do dâng Lễ, thì tối đa ở đó cũng chỉ được khoảng 20 giáo dân nghe giảng, có khi về nhà họ quên mất. Nếu cấm như đã làm thì, sau đó, cả thế giới đều biết, đều nghe đến ngài bị cấm dâng Lễ.

- một lần xin đi nước ngoài, ngài kể : Khi đến cơ quan nhà nước nhận hộ chiếu, người ta dặn dò ngài: "Ông đi nước ngoài nhờ đừng chụp hình với lá cờ vàng ba sọc đỏ, nếu không là toi đời ông!". Ngài đáp ngay: "Vậy tôi trả hộ chiếu lại cho các ông, tôi không đi nữa". Họ ngạc nhiên hỏi ngài: "Sao vậy?" Ngài cười: "Chứ nếu đi nước ngoài mà toi đời thì đi làm gì?"… Ngài lý luận sắc bén: "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, vậy các ông có ghét Tàu và Tây lắm không? Tôi thấy mấy ông lãnh đạo vẫn đứng chào cờ Trung quốc, chào cờ Pháp, Mỹ đó thôi. Vậy tại sao lá cờ vàng của anh em người Việt mình mà các ông căm ghét đến thế?". "Còn nữa, hàng năm chúng ta đón bao nhiêu Việt kiều, nhận bao nhiêu tiền họ gửi về, sao lại phải lúc nào cũng căm ghét cờ của họ?". "Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Gia đình tôi sống được và tôi lớn lên, ăn học là dưới lá cờ vàng. Nếu các ông di cư năm ấy thì các ông cũng thế thôi.". Nghe những lời hợp lý, họ ngượng ngùng bảo: "Thôi ông cứ đi..."

- nói về cái gọi là Uỷ ban Đoàn Kết Công Giáo hay Công Giáo yêu nước mà dân chúng thường gọi là đám quốc doanh cũng thú vị. Người có quyền nói nhiều giáo phận đã có cái Uỷ ban này, nếu giáo phận ngài tổ chức UBĐK thì mỗi năm nhà nước sẽ chi cho hai tỷ đồng để tiêu dùng và, khi đi họp ở Hà nội thì các ông ‘yêu nước’ sẽ được ở khách sạn năm sao, sẽ được đi Đồ sơn hay đi đâu đó nghỉ mát. Hai tỷ đồng, số tiền lớn thật, có số tiền ấy ngài tha hồ làm được nhiều việc. Thấy ‘hấp dẫn’, ngài hỏi: ‘UB ấy là tổ chức tôn giáo hay chính trị?" Họ đáp: "Đó là tổ chức chính trị phục vụ đảng và nhà nước".

Ngài từ tốn nói: "Các anh có muốn thấy gia đình người ta chia rẽ, xung khắc không? Ở giáo phận tôi nếu có cha nào tham gia vào UB ấy là lập tức có chia rẽ và nghi kỵ ngay. Là Giám mục, không lẽ tôi muốn nhìn giáo phận chia rẽ?". Im lặng một lúc, ngài tiếp: "Các ông có nghĩ rằng linh mục giỏi làm chính trị không? Trước kia các ông nghĩ các linh mục tuyên uý trong Quân Lực VNCH làm chính trị, nhưng sau hàng chục năm bắt các linh mục ấy đi học tập, các ông đã biết các linh mục chẳng biết làm chính trị gì cả. Các ông bảo UBĐK ấy là tổ chức chính trị mà kêu gọi các linh mục không biết chính trị vào hoạt động là để họ phá chế độ!... "Chưa hết, dân mình còn nghèo khổ, ông nghĩ làm sao chúng tôi là Giám mục, linh mục, là người có Đạo, lại có thể nhận hai tỷ đồng tiền của dân để tiêu pha, rồi còn ở khách sạn năm sao, rồi đi du lịch nơi này nơi nọ cho được?". Nghe đến đó thì họ không nói chuyện UBĐK ấy với ngài nữa.

Sự tóm lược của chúng tôi rất thiếu xót, xin mời đọc giả vào địa chỉ : http://vietcatholic.net/News/Html/89735.htm

để được đọc thấm thía hơn.

III. "LINH MỤC QUỐC DOANH'', MỘT THỬ THÁCH THẬT SỰ CHO GIÁO HỘI VIỆT NAM.

A. Bài báo của Asia-News.

Đây là bài tiếng Anh mà chúng ta có thể tìm tại địa chỉ : http://vietcatholic.net/News/Html/89635.htm

Gần đến ngày bầu cử Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân, các linh mục quốc doanh gây đau khổ cho Giáo hội Việt Nam. Một mặt, sự ứng cử của ba linh mục vào Quốc hội vi phạm Giáo luật, điển hình là linh mục Phan khắc Từ đã được sự hỗ trợ của đảng cộng sản và nổi tiếng nhờ chỉ trích Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Vatican. Mặt khác, những linh mục đã lạm dụng tài sản nhà thờ và vai trò của họ để hỗ trợ cho đảng cộng sản để hưởng lợi. Do đó, giáo dân xa Giáo hội vì không Thánh Lễ như tại nhà thờ Trung Châu (Thái Bình) ngày 29.04.2011, Linh mục cho người gọi giáo dân, đọc kinh Mân côi, ra dự cuộc họp tuyên truyền bầu cử cho đông đúc để quay phim truyền hình. Giáo dân không xưng tội vì sợ Linh mục báo cho cảnh sát. Các "linh mục của nhà nước" tạo ra sự rối loạn chức năng trong Giáo Hội. Cha Peter, Tuyên úy Quân đội Việt Nam Cộng Hoà, khi mãn hạn cải tạo, cán bộ cộng sản nói "Hãy về nhà lấy vợ và sinh con như họ". Cha nghĩ đó là một trò đùa, nhưng không phài vậy. Trong hai năm, cha xin giám mục một công việc mục vụ, dù đã làm hết sức mình nhưng vô ích. Cha phải tìm một linh mục quốc doanh. Một vài ngày sau, Cha có bài sai đi làm mục vụ và, hôm nay, Cha không biết ai điều hành giáo phận".

B. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam.

Sau ngày 30.04.1975, những ‘Linh mục quốc doanh, đã thành lập nhóm ‘Linh mục yêu nước’ mà danh xưng không ngừng thay đổi : Ủy ban Liên lạc công giáo Toàn quốc, Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt Nam… và, cuối cùng, đã dừng lại với tên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCG).

Trong thư đề ngày 25.12.1997 để báo cáo với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết : « Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Phan khắc Từ giải tán), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo Yêu nước tại Thành phố này… ». Điều lệ của UBĐK ghi rõ: « UBĐKCGVN ‘là tổ chức đại diện phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam’, là ‘thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam’. (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản dựỉng nên, bao gồm các đoàn thể nhân dân. »

Giáo dân không tham gia UBĐKCG nhiều, nhưng có đông Linh mục. Hằng trăm Linh mục dự Đại hội đâu có ít, mỗi lần ? Có lẽ nhiều người đi cho yên, lấy lệ ? Điều có thể kiểm kê được là trong số đó chỉ có mấy người chủ chốt năm này qua năm khác và ôm tất cả. Đức cha Phao lô Nguyễn văn Bình trong bài phỏng vấn của báo Eglises d’Asie (Pháp quốc) số 95, tháng 09.1990, khi được hỏi : « Thưa Đức Cha, có bao nhiêu Linh mục trong UBĐKCG ? » đã trả lời : « Có lẽ có tất cả chừng 30 người. Nhưng thực tế, chỉ có 5 hay 6 người những người khác chẳng mấy quan tâm đến Ủy ban. Họ là những Linh mục làm việc trong các giáo xứ. Thỉnh thoảng họ tới dự một phiên họp thế thôi.

Trong thư gửi các Linh mục, sau Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Nicolas Huỳnh văn Nghi cho biết : « Ông Trưởng ban Tôn giáo giới thiệu UBĐKCG và lợi ích của tổ chức chánh trị dành cho người công giáo này. Các Giám mục nhận định là trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước hiện nay, nên dành cho giáo dân tham gia và lãnh đạo tổ chức này (…). Linh mục, tu sĩ là những người chuyên làm công tác tôn giáo. Hãy để họ trong ngành chuyên môn của họ. Tuy nhiên, ông Trưởng ban Tôn giáo thừa biết rằng các Giám mục quá hiểu: nếu các Linh mục rút đi thì làm còn gì UBĐKCG nữa. (Trích Tin Nhà số 32 – Mars 1998).

Ngày 20.10.1993, Đức Tổng Giám mục P.X Nguyễn văn Thuận đã nói khi trả lời phỏng vấn của ông Jacques Berset, Giám đốc hãng Thông tấn Công giáo APIC (Thụy sĩ) : « Điều chắc chắn là Giáo hội tại Việt Nam phải tiếp tục làm việc và sống còn. Có những người Công giáo cộng tác với chính quyền, nhưng rất khó mà phán đoán về họ từ bên ngoài, nhất là khi tất cả đều biến chuyển mau lẹ. Nói một cách khách quan, tôi không thể phán đoán, vì từ nhiều năm nay tôi không còn ở trong nước nữa. Một số người tự nguyện cộng tác, một số khác đôi khi tìm những giải pháp dung hợp, những phương tiện để làm việc một cách dễ dàng hơn. Chúng tôi chấp nhận sự khác biệt đó. Tôi không phán xét những người làm việc với chính phủ. Họ có những lý do của họ: một số người vì lòng ngay và tìm một phương thế để thích ứng với thực trạng, để tìm những dễ dãi cho việc mục vụ, để tránh những hạch sách, trong khi những người khác hoàn toàn chỉ là người xu thời. Không nên lên án tất cả những người ấy. Đối với tôi, điều quan trọng là ý kiến của Tòa Thánh, và Tòa Thánh dạy phải tuân theo luật Chúa.»

Lời vị Giám mục, đang được Giáo hội xét phong Chân Phước, là tiếng nói công bình, đầy bao dung, che chở và đầy đủ, được sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để luôn lo lắng cho tiền đồ Quê hương và Giáo hội Việt Nam.

3. Bầu cử Quốc hội.

Trong cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 ngày 22.05.2011, có ba ứng cử viên là linh mục : Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu). Hai Linh mục Cường và Hoàn đang là đại biểu khóa 12 (2007-2011).

Cả ba đều là thành viên UBĐKCG, một tổ chức của Đảng, vi phạm Giáo luật điều 287.2 : « Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy ». Nếu là đại biểu, các vị này vi phạm thêm điều 285.3 Giáo luật : « Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự. »

Cũng như họ là các giáo sĩ vi phạm Giáo luật, việc tổ chức bầu cử cũng trái Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội. Thí dụ điều 1 qui định : « Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộâng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. », tức cho phép các cử tri trực tiếp chọn ứng cử viên để bầu chứ không cần sự xét lựa của cơ quan hay nhóm dân nào.

Hơn thế nữa, ngày 30.03.2011, Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị để bỏ phiếu tín nhiệm (hay không) ông Lê quốc Quân, ứng cử độc lập tại Hà nội. Cuộc cử tri đặt câu hỏi đã biến thành cuộc đấu tố ông Quân khi người chủ tọa nêu ra việc ông Quân bị công an Việt Nam bắt giam 100 ngày năm 2007 vì tội "tạm giữ hình sự vì hành vi tham gia tổ chức phản động, chống chính quyền nhân dân" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Hành vi này của ‘người chủ tọa’ vi phạm Hiến pháp nước Cộâng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều 72 : « Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. »

Do đó, chúng tôi có thể đoan chắc nếu các người ứng cử độc lập như Luật sư Công giáo Lê quốc Quân (Giáo hội khuyên giáo dân tham gia chính trường và yêu cầu các Linh mục làm mục vụ như Giáo luật qui định) được tham dự tranh cử thì cử tri có Tự do chọn và bầu đại biểu Quốc hội thì Việt Nam đã không phải ở trong tình trạng như bài ‘Nhân ngày 30/4, đọc lại vài dữ liệu cũ’ tại địa chỉ : http://www.boxitvn.net/bai/21064

Trong bài ‘Niềm vui và hy vọng, Tổng hợp chuyến viếng thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam lần đầu tiên của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli,

Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam trên WHĐ ngày 03.05.2011, chúng tôi được đọc: "Được hỏi về hướng giải quyết khi có căng thẳng Đạo-Đời, Đức TGM mời gọi ngắm nhìn cách ứng xử của Đức Giêsu: "Trả cho Xêda những gì của Xêda, và trả cho Chúa những gì là của Chúa." Chúa không làm cách mạng đánh đuổi người Rôma thì Giáo hội cũng thế. Chúa Giêsu tôn trọng chính quyền, nhưng đồng thời Ngài cũng xác định sự tự do của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo hội không làm chính trị, nhưng đem Lời Chúa đến cho mọi người. Và Lời Chúa soi sáng mọi sự."

Theo ý kiến riêng, chúng tôi xin được phép xem Lời Chúa không chỉ là Thánh Kinh mà thôi, những gồm cả những Giáo huấn của Hội Thánh Công giáo như Giáo luật, Học thuyết xã hội…

I. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO.

Trích ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ Chương 8 có tựa đề ‘Cộng đồng chính trị’.

A.- Nhà nước và các Cộng đồng Tôn giáo.

Tự do Tôn giáo, một Quyền căn bản của Con người.

Công đồng Vatican II đã giao cho Giáo hội Công giáo nhiệm vụ thúc đẩy tự do tôn giáo qua Tuyên ngôn ‘Dignitatis Humanae’ (Phẩm giá Con người): "cá nhân và các cộng đồng có quyền được tự do về mặt dân sự lẫn xã hội trong các vấn đề tôn giáo". Đây là điều này cần thiết để con người hành xử sự tự do mà Chúa muốn và ban cho mình không gặp phải một trở ngại nào, vì "sự thật tự nó có sức mạnh ép buộc chứ không dựa trên một uy quyền nào khác". Do đó, Nhà Nước không được cưỡng bách con người hành động ngược với lương tâm của mình hay không được ngăn cản con người hành động hợp với lương tâm mình (số 421).

Sự tự do lương tâm và sự tự do tôn giáo "liên quan đến con người cả về phương diện cá nhân lẫn phương diện xã hội". Quyền tự do tôn giáo phải được nhìn nhận trong trật tự pháp lý và được phê chuẩn như một quyền dân sự, nhưng tự nó không phải là một quyền vô hạn. Cần có những giới hạn chính đáng căn cứ theo những đòi hỏi của công ích, và được xác nhận bởi nhà cầm quyền dân sự, thông qua những chuẩn mực pháp luật phù hợp với trật tự luân lý. Cần có những chuẩn mực ấy vì "người ta cần phải bảo vệ hữu hiệu các quyền lợi của mọi công dân và phải giải quyết trong hoà bình các sự xung đột về quyền lợi; phải chăm lo thích đáng nền hoà bình chung thật sự, chỉ có khi mọi người cùng sống với nhau trong trật tự và công lý đích thực; sau cùng cần phải có sự bảo vệ thích đáng cho nền luân lý chung" (số 422).

Vì có liên hệ về mặt lịch sử và văn hoá với quốc gia, nên cộng đồng tôn giáo có thể được Nhà nước nhìn nhận một cách đặc biệt hơn. Nhưng sự nhìn nhận nầy không tạo nên sự kỳ thị đối với các tôn giáo khác ngay trong trật tự dân sự hay xã hội. Tầm nhìn được (số 423).

B.- Giáo hội Công giáo và Cộng đồng Chánh trị.

1. Tự trị và độc lập .

Dù cả hai đều xuất hiện trong các cơ cấu mang tính tổ chức thấy rõ bên ngoài, nhưng tự bản chất, hai bên vẫn rất khác nhau do cách định hình và do mục tiêu hai bên theo đuổi. Công đồng Vatican II đã long trọng tái xác nhận rằng "Cộng đồng chính trị và Giáo hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt riêng của mình". Giáo hội được tổ chức theo những cách thức có thể giúp đáp ứng các nhu cầu tâm linh của các tín hữu, còn các cộng đồng chính trị đưa ra các mối quan hệ và định chế nhằm phục vụ mọi sự có liên quan tới công ích trên trần gian. Sự tự trị và độc lập này càng rõ hơn khi so sánh các mục tiêu của chúng.

Vì tôn trọng sự tự do tôn giáo, Cộng đồng chính trị phải bảo đảm cho Giáo hội có đủ không gian cần thiết để thi hành sứ mạng của mình. Về phần mình, Giáo hội không có thẩm quyền chuyên môn nào đối với các cơ cấu của cộng đồng chính trị: "Giáo hội tôn trọng sự tự trị chính đáng của trật tự dân chủ và không mang danh nghĩa nào để ủng hộ ưu tiên cho giải pháp này hay giải pháp kia, liên quan đến định chế hay hiến pháp", và cũng không tham gia vào các chương trình chính trị, trừ khi có những điểm liên quan đến tôn giáo hay luân lý (số 424).

2. Hợp tác.

Sự tự trị của Giáo Hội và cộng đồng chính trị không đưa tới sự biệt lập, bất hợp tác vì, dù với danh nghĩa khác nhau, nhưng đôi bên đều phục vụ thiên chức vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội của cùng một con người. Thật vậy, hai bên, qua các cơ cấu mang tính tổ chức riêng mình, đều phải có những mục đích phục vụ con người, giúp con người thi hành các quyền của mình cách trọn vẹn, những quyền nằm trong chính con người vừa là công dân của một nước vừa là Kitô hữu, đồng thời giúp con người chu toàn các nghĩa vụ tương ứng của mình. Đôi bên cần làm cho việc phục vụ này hữu hiệu hơn "để mọi người cùng có lợi, nếu mỗi bên nỗ lực hơn nữa để hợp tác lành mạnh với nhau theo cách nào phù hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian" (số 425).

Giáo hội có quyền được pháp luật nhìn nhận căn tính đúng của mình vì sứ mạng Giáo hội bao gồm mọi thực tại của con người, nên cảm thấy mình "được gắn kết thật sự và sâu sắc với nhân loại và lịch sử của nhân loại", và cần bày tỏ sự phê phán luân lý về thực tại ấy, mỗi khi Giáo hội thấy mình có bổn phận phải bênh vực các quyền căn bản của con người hay vì sự cứu độ các linh hồn. Bởi đó, Giáo hội phải được tự do phát biểu, giảng dạy và loan báo Tin Mừng; tự do thờ phượng chung; tự do tổ chức và cai quản trong nội bộ mình; tự do tuyển chọn, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các người thừa hành; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo, tự do tìm kiếm và sở hữu của cải đủ cho các hoạt động của mình; và tự do thành lập các hiệp hội không chỉ cho các mục tiêu tôn giáo mà còn cho các mục tiêu giáo dục, văn hoá, y tế và bác ái (số 426).

Để ngăn cản và làm giảm bớt các xung đột có thể có giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị, hai bên cần xác định những hình thức bền vững để hai bên tiếp xúc với nhau và những phương thế thích hợp để bảo đảm cho quan hệ giữa hai bên được hài hoà. Kinh nghiệm cho thấy Nhà nước thường xâm phạm lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, cản trở sự tự do hoạt động tới mức công khai bách hại Giáo hội, hay ngược lại, cho những trường hợp trong đó các tổ chức Giáo hội không có hành động tôn trọng thích đáng đối với Nhà nước (số 427).

II. GIÁO LUẬT.

Bộ Giáo Luật hiện hành được Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.01.1983 qua Tông hiến "Sacrae Disciplinae Leges". Trong đó, Quyển II qui định về Dân Chúa.

A.- Các tín hữu.

Danh từ tín hữu Công giáo được Bộ Giáo Luật định nghĩa nơi điều 204:

(1) Các tín hữu là những người, nhờ phép Rửa Tội, được hiệp thân với Đức Kitô, kết thành dân của Chúa và do đó, họ tham dự theo cách thế riêng vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Đức Kitô. Theo điều kiện của mỗi người, họ được kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội chu toàn trong thế giới.

(2) Giáo hội này, được thiết lập và tổ chức như một xã hội ở trong thế giới, tồn tại trong Giáo hội Công giáo, được cai quản do người kế vị Thánh Phêrô và do các Giám mục hiệp thông với Người.

B.- Các giáo sĩ và các giáo dân.

Điều 207: (1) Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo dân.

(2) Trong cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây ràng buộc thánh thiện khác, được Giáo Hội công nhận và phê chuẩn. Hàng ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.

C.- ‘Tính cách trần thế’ của người giáo dân.

Tất cả mọi thành phần Giáo hội đều phải tham gia vào chiều kích trần thế của Giáo hội, đó là điều chắc chắn, nhưng có nhiều cách thế khác nhau. Đặc biệt sự tham dự của người giáo dân có một hình thái thực hiện và chức vụ ‘riêng rẽ và đặc biệt’ theo như Công đồng Vatican II phân tích và được gọi đó là ‘tính cách trần thế’ cùng quả quyết: "Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân" và ề chính đó là nơi họ được gọi" (Aùnh Sáng Muôn Dân, số 31).

Tính cách trần thế là ở giữa trần thế, sống với đời sống của trần thế và sống cho trần thế, nghĩa là không phải sống bị lôi cuốn theo các chiều hướng xấu của trần thế, trái lại, để cải hóa trần thế theo tinh thần của Chúa Kitô, như Ngài đã căn dặn: "Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng của thế gian" (Mt 5: 16)

Tính cách trần thế này đặt nền tảng trên hai Chân lý thần học: mầu nhiệm sáng tạo và mầu nhiệm nhập thể cùng nhập thế của Thiên Chúa.

- Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền chế ngự tạo vật (Sáng thế 1: 26-31)

- Khi muốn cứu chuộc con người, Chúa đã muốn sinh ra làm người để sống hoàn toàn thân phận con người trong lịch sử của nó.

Vì thế, Công Đồng Vatican II quả quyết: "Tính cách trần thế của người tín hữu giáo dân không chỉ được định nghĩa theo quan niệm xã hội, mà theo ý nghĩa thần học. Tính cách trần thế phải hiểu theo ánh sáng của tác động tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó trần thế này cho con người cả nam lẫn nữ để họ tham gia vào việc tạo dựng, để họ giải thoát thọ tạo khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, để họ tự thánh hóa mình trong đờụi sống hôn nhân hay độc thân, trong gia đình, trong chức nghiệp và trong các hoạt động xã hội." (đề nghị 4 của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1978 về Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân).

Trong Tông huấn về giáo dân, Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích thêm: "Sống và hành động giữa thế giới đối với các tín hữu giáo dân , không chỉ là một thực tại nhân sinh xã hội, mà còn là một thực tại chuyên biệt thần học giữa trần thế. Thiên Chúa muốn biểu lộ ý định của Ngài và thông ban cho họ Ơn gọi đặc biệt là ‘tìm nước Thiên Chúa bằng cách quản lý những thực tại trần thế mà họ phải sắp xếp theo ý Thiên Chúa…" (Tông huấn Người Tín hữu Giáo dân, số 15).

Bởi vậy, mọi tín hữu Đức Kitô đều phải sống nên thánh theo Ơn Gọi Chúa đã chỉ định và mình đã tự do tuyên nhận: Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân. Tất cả Kitô hữu sống đạo hợp thành Nhiệm Thể Đức Kitô hay Giáo hội.

E.- Linh mục là một Đức Kitô khác.

Linh mục là đã tín hữu Công giáo đáp Ơn Gọi từ Đức Kitô để nhận Bí tích Truyền Chức Thánh từ Đức Giám mục và trở thành thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo sĩ. Cha còn là một Mục tử, một Đức Kitô khác (Alter Christus) hay Đức Kitô thứ hai, mang sứ mạng Chúa Giêsu là cứu rỗi nhân loại qua sự dâng hiến hoàn toàn và vâng phục tuyệt đối ý Chúa Cha.

Hiện diện giữa giáo dân, và cho giáo dân, các linh mục, trước hết là thi hành trách nhiệm mục vụ. Các Cha là những mục tử của các tín hữu được giao phó, mang hình ảnh Chúa Kitô, Mục Tử duy nhất và là Đầu Giáo hội. Bởi thế, linh mục đã nhận từ Chúa bởi Bí tích Truyền Chức Thánh ‘một quyền năng’mà Thánh Phaolô giải thích (thí dụ, xem II Co 10,8 và 13,10). Nghị định của Vatican II về Thừa tác vụ và đời sống Linh mục để ‘liên kết những cố gắng của mình với của giáo dân’, ‘bằng chân thành nhận biết vai trò riêng của mình trong sứ vụ của Giáo hội’ (số 9), nhưng không quên nhắc lại chức năng đối với mọi người nhận lãnh Bí tích Rửa tội, ‘phi thường và bất khả miễn’. Linh mục là những thừa tác viên Lời Chúa (số 4) và các Bí tích, cách riêng là Giải tội và Thánh Thể (số 5) và có bổn phận ‘hướng dẫn Dân Chúa, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, tới Thiên Chúa là Cha’ (số 6). Ngoài ra, Giáo hội quy định ‘chức vụ Cha Sở chỉ có hiệu lực khi giao cho một Linh mục’.

Cùng với giáo dân, các linh mục có nhiệm vụ hoàn thành Nhiệm Thể Chúa Kitô. Văn kiện về thừa tác vụ và đời sống Linh mục mà chúng ta vừa ghi nhận biết bao yêu cầu về tính cách bất khả miễn cho nhiệm vụ của mục tử: ‘Tuy nhiên, với tất cả Kitô hữu, các linh mục là những môn đệ của Thiên Chúa mà nhờ Hồng Ân được Chúa gọi để tham gia Vương Quốc Ngài. Giữa tất cả các tín hữu, linh mục là anh em trong các anh em của mình, phần tử của Nhiệm Thể duy nhất Đức Kitô mà sự hình thành được giao phó cho mọi người ’.

Do đó, Giáo hội luôn là Mẹ nhân lành đã đưa ra các hướng dẫn trong Giáo Luật để các Linh mục theo đó hành động, đặc biệt hiện nay tại Việt Nam cũng như Trung quốc:

Điều 285: (1) Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc giáo sĩ.

(3) Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, giáo sĩ không được nhận làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

Tuy nhiên, như chúng ta biết: Trong cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 ngày 22.05.2011, có ba ứng cử viên là linh mục: Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu). Hai linh mục Cường và Hoàn đang là đại biểu khóa 12 (2007-2011). Linh mục Từ cũng từng là đại biểu các khóa 8, 9 và 10.

Dù được sự Đảng cử thì việc dân bầu chỉ còn chờ thời gian, ba linh mục này, cũng bắt chước các ứng cử viên khác, kể công dù chẳng thấy nói lời nào đáng giá để báo đăng và hứa hẹn những điều biết là mình không thể làm được. Do đó, trong dịp bầu cử năm nay, đồng bào đã lên tiếng nhiều về sự kiện này, nhất là linh mục Phan khắc Từ vì tình trạng không rõ rệt có gia đình hay không. Hãy can đảm như cố Giáo sư Nguyễn ngọc Lan hay nhiều vị đã xin vơ hiệu của việc chịu chức thánh.

Để kết luận, chúng tôi xin được trích ‘Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 gửi Toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam’ của Hội đồng Giám mục Việt Nam được công bố ngày 01.05.2011:

Chương IV: LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG HOÀN CẢNH NGÀY NAY

"Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em" (Ga 20, 21).

33. Là công dân trong một đất nước, người Công Giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương. Đồng thời, chúng ta thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc Âm, khi thể hiện chức năng tiên tri bằng tiếng nói chân thành và có trách nhiệm, "thực thi yêu thương trong chân lý và thực thi chân lý trong yêu thương". Theo ý nghĩa đó, Đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ các tín hữu Việt Nam: "Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt".

Để thực hiện lời mời gọi này, các tín hữu cần thấu triệt giáo huấn của Giáo Hội về xã hội. Giáo huấn này sẽ soi sáng cho các tín hữu biết cách yêu mến quê hương, yêu thương mọi người không trừ một ai, quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa, xây dựng công bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo qua nẻo đường hiền lành và khiêm nhường, bao dung và tha thứ. Định hướng này sẽ mở đường cho những chương trình mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam, đặc biệt cho thiếu nhi, giới trẻ và di dân. Như Đức Kitô, Giáo Hội không bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi và bất công, nhưng đồng thời yêu thương hết thảy mọi người, với lòng nhân hậu xót thương của Thiên Chúa. Các tín hữu của Chúa Giêsu phải lấy việc lành mà vượt thắng lối sống bạo lực, ích kỷ, hưởng thụ và phóng túng (x. Rm 12, 9-21; 1 Pr 3, 15-16; 4, 3-4)."

HÀ MINH THẢO