Kính gửi: Đức cha Chủ tịch HĐGM/VN,
Đức Hồng y và quý Đức cha,
Để đáp ứng lời mời gọi của Thư Mục vụ Năm Đức Tin, Ủy Ban Công lý và Hòa bình (CLHB) xin phúc trình cùng Đức Hồng y và quí Đức cha một số tình hình xã hội Việt Nam hiện nay đang được dư luận quan tâm. Xin giản lược vào mấy nét tiêu biểu dưới đây:
1. Án xử bất công
Trong bản Nhận Định công bố ngày 15/05/2012, Ủy Ban CLHB đã nhận xét: “Việc áp dụng luật pháp chưa nghiêm minh và tùy tiện (…) đã dẫn đến những oan sai và đôi khi đẩy người dân đến bước đường cùng. Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định các thủ tục bắt người; vậy mà trong một số trường hợp, vẫn có các công dân bị bắt sai trái với các quy định của bộ luật ấy, cũng như với các tuyên ngôn và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.”
Tình hình đó chưa thay đổi, thậm chí còn diễn ra xấu hơn. Điển hình là vụ xét xử ba thanh niên Công Giáo tại Vinh ngày 29/09/2012 và vụ xử các Bloggers ngày 24/9, tại TP. HCM với các bản án vô lý và đầy bất công. Để che đậy nó, người ta đã cho mở phiên tòa xét xử công khai, nhưng lại không cho dân chúng tự do tham dự và ngay cả thân nhân của các bị cáo cũng bị ngăn chặn khi đến tòa án, thậm chí có những người còn bị tạm giữ hay bị khủng bố tinh thần.
Bên cạnh đó, những vụ khiếu kiện đông người về đất đai ngày càng gia tăng hoặc kéo dài. Điều đó chứng tỏ cách giải quyết của chính quyền các cấp không thỏa đáng, có thể vì thiếu thiện chí giải quyết vấn đề đúng pháp luật và lẽ phải hay vì bênh vực quyền lợi của các nhà đầu tư và các nhóm đặc quyền. Để biện minh cho cách giải quyết này người ta thường chụp lên đầu những người phản kháng cái mũ “bị kích động của thế lực thù địch”.
2. Dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự
Bạo lực ở đây là việc sử dụng “côn đồ” chứ không chỉ các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an để vãn hồi trật tự. Biện pháp này được dùng ngày càng nhiều, để đàn áp các cá nhân lẫn các đám đông, từ đám tang riêng lẻ đến các vụ khiếu kiện tập thể hay biểu tình. Điều đó đang làm cho bạo lực ngự trị trong đời sống xã hội khi giải quyết tranh chấp.
3. Tham nhũng thành quốc nạn
Những diễn biến và xáo trộn trong mấy tháng vừa qua chứng tỏ mô hình kinh tế hiện tại đang làm giàu cho nhóm đặc quyền đặc lợi, đặc biệt là giới ngân hàng, hơn là cho toàn dân. Lạm phát gia tăng cũng làm tăng đói nghèo, không những gây khó khăn hơn cho cuộc sống của người dân, mà cho cả các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay hơn 40.000 doanh nghiệp phải giải thể.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia thiếu minh bạch nhất thế giới. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế điều hành, lãnh đạo. Chính vì vậy, không những nó nguy hiểm cho tiền đồ đất nước mà hầu như bất khả loại trừ trong bối cảnh kinh tế – chính trị hiện nay.
4. Chủ quyền đất nước
Khi ý thức rằng: “Việc chung sống giữa các dân tộc được xây dựng trên các giá trị từng làm nền tảng để kiến tạo các mối quan hệ giữa người với người: đó là sự thật, công lý, liên đới tích cực và tự do” (TLGHXHCG số 433) thì chúng ta thấy hiện nay nền tự do, độc lập, chủ quyền quốc gia của Việt Nam đang bị đe dọa nặng nề bởi sự gây hấn và xâm lược của láng giềng Trung Quốc. Người dân không được biết sự thật về những “thỏa hiệp” hay “thỏa ước” giữa chính quyền hai nước, nhưng lại phải gánh chịu nhiều hậu quả tai hại do “mối giao hảo” ấy gây nên cả về chính trị lẫn kinh tế.
Trong bản Nhận định về một số tình hình hiện nay của Việt Nam, Ủy Ban CLHB đã nhấn mạnh: “Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Biển Đông đã một vài lần nổi sóng. Nhưng trong những năm gần đây, sự căng thẳng đã lên đến mức độ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt dùng lời lẽ hoa mỹ, với thông điệp rất êm tai, nhưng mặt khác, các hành động của họ về chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phản ánh rõ rệt chủ trương Đại Hán.
Trong khi đó phản ứng của Nhà cầm quyền Việt Nam quá yếu ớt, tạo cớ cho các lực lượng thù nghịch lấn tới. Khó hiểu hơn nữa là việc chính quyền đã mạnh tay đàn áp các tổ chức và các cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đang gây bất bình trong dư luận.”
5. Phẩm giá con người
Phẩm giá con người bị chà đạp và xúc phạm nặng nề. Nạn buôn người và buôn bán phụ nữ chuyển từ tình trạng lén lút sang công khai, núp dưới hình thức “hợp tác lao động”, “môi giới kết hôn với người ngoại kiều” qua trung gian các công ty có giấy phép kinh doanh. Đây là loại hình tội phạm đáng lo ngại với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hoạt động xuyên quốc gia, siêu lợi nhuận, ngày càng gia tăng và thêm phức tạp.
Hiện tượng ấy dường như là hậu quả của một điều đã diễn ra từ lâu và rất đáng lo ngại. Trong xã hội Việt Nam hôm nay, con người dễ bị tha hóa trở thành công cụ, hay bị coi là công cụ để phục vụ các mục tiêu chính trị, kinh tế hơn là một nhân vị, chủ thể của các thực tại xã hội. Lý do có thể giải thích là vì nền giáo dục Việt Nam hiện nay không những lạc hậu, mà còn lạc hướng, chạy theo hình thức và phô trương thành tích nhằm tạo ra những con người chỉ có khả năng phục vụ cho những mục tiêu chính trị chứ không nhằm đào tạo con người có nhân cách, phát triển tâm và trí toàn diện. Nói cách khác, hệ thống giáo dục đang đào tạo con người công cụ hơn là con người nhân vị có tự do, có khả năng chịu trách nhiệm và sáng tạo.
6. Tự do Ngôn luận
Theo luật lệ Việt Nam hiện hành, truyền thông triệt để trực thuộc Nhà nước. Vì vậy, mặc dù cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí và hầu như tỉnh nào cũng có truyền thanh và truyền hình, nhưng tất cả bị kiểm duyệt và kiểm soát gắt gao. Trước mắt, xã hội dân sự chưa được xuất hiện và chưa thực sự góp phần năng động cho truyền thông.
Cuộc cách mạng thông tin đã bùng nổ qua các trang web và các blog cá nhân. Đây là một hình thức thông tin mới, tức thời, hấp dẫn, năng động, đa diện, vừa bằng chữ viết, vừa kèm theo hình ảnh hay minh họa. Với webblog các nhân, người đưa tin chia sẻ và nối kết với nhau thành mạng xã hội, giải phóng sự thật khỏi những rào cản và quyền lực truyền thống, cũng như thách thức ngay cả các tập đoàn truyền thông vốn áp đặt thông tin ở quy mô quốc gia hay toàn cầu. Tất nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó, cần phải được hướng dẫn và điều chỉnh các lạm dụng, sai trái. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát, cấm đoán, phá hoại các trang web, các blog cá nhân, nhất là việc bắt bớ, kết án các Bloggers đã đi tới tình trạnh vi phạm nhân quyền nặng nề. Vụ án các Bloggers thuộc câu lạc bộ các nhà báo tự do đã bị xét xử vừa qua là ví dụ cụ thể cho tình trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
7. Tự do tôn giáo
Mặc dù hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư đã quy định về tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, nhưng việc thực hiện các quy định trên tại nhiều địa phương lại rất tùy tiện. Chính vì vậy, ở một số nơi, việc cử hành các lễ nghi tôn giáo và thiết lập các điểm sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự rất nhiêu khê và tùy thuộc nhiều vào cảm tính của giới chức chính quyền địa phương. Đặc biêt, do lịch sử, có những “Xã” hay “Huyện anh hùng” mà ở đó có tiêu chí “vùng trắng tôn giáo”, thì việc cố gắng phục hồi các nhà nguyện và tổ chức các buổi cầu nguyện của các giáo hội địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng này, tùy lúc, đã và đang diễn ra tại một số giáo phận như Kontum, Hưng Hóa, Ban Mê Thuột, Vinh…
Kính thưa Đức Hồng y, quí Đức cha,
Khi gửi Bản phúc trình này, Ủy Ban CLHB chỉ nêu lên một số hiện tượng tiêu biểu hoặc vấn đề đáng quan tâm. Làm như thế, chúng ta muốn chứng tỏ rằng người Công Giáo không hề thờ ơ với tình hình đất nước, nhưng luôn thể hiện một tình yêu nước nồng nàn và nỗ lực kiếm tìm giải pháp tích cực dựa trên GHXH của Giáo hội để xây dựng hòa bình. Cổ vũ hòa bình là một phần tất yếu trong sứ mạng của Giáo Hội khi tiếp tục công trình của Đức Kitô trên trần gian. Thật vậy, trong Đức Kitô, Giáo Hội là một bí tích, tức là dấu chỉ và công cụ của hòa bình trên thế giới và cho thế giới (x. TLGHXHCG Số 516). Ủy Ban CL&HB ước mong nhận được những góp ý tích cực, hướng dẫn cụ thể và đầy tình hiệp thông của Đức Hồng Y và quí Đức Cha để có thể góp phần loan báo Tin Mừng trong lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… đầy khó khăn và thách đố này.
Lễ Các Thánh, ngày 1/11/2012
ỦY BAN CÔNG LÝ & HÒA BÌNH / HĐGMVN