Những dị biệt trong quan niệm luân lý học về tính dục đã hình thành ít
nhất do bốn khuynh hướng sau đây, mỗi khuynh hướng đều có những nghị
trình khác nhau và khó có thể tương hợp với nhau. Có thể đây chỉ là đơn
giản hóa, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ bốn khuynh hướng trên là: bảo thủ,
xét lại, hoài nghi và tha hóa. Các nhóm này được kể như đại diện cho
những đáp ứng khác nhau đối với các thay đổi khá hấp dẫn và ầm ĩ từng
bủa vây Giáo Hội cũng như văn hóa trong thập niên 1960. Nhóm bảo thủ cho
rằng trong việc tạo ra bản sắc Công Giáo, việc hành động phù hợp với
giáo huấn của Giáo Hội phải được đặt lên hàng đầu. Họ chủ trương không
cho phép có bất đồng (dissent) đối với quan điểm của Vatican về các vấn
đề như giao hợp tiền hôn nhân, ngừa thai, phá thai, đồng tính luyến ái,
và li dị. Họ coi việc duy trì một mặt trận thống nhất trong các vấn đề
ấy là cốt chính đối với sức mạnh liên tục của quyền bính Giáo Hội. Họ
cố gắng nối kết giáo huấn quá khứ với thế giới hiện tại bằng cách biện
luận rằng ai cảm nhận được tình thân mật tính dục và nếu chịu khó khảo
sát nó một cách trung thực cũng phải đồng ý rằng mối liên hệ ấy là một
hình thức “tự hiến mình cho nhau” (một thuật ngữ của Đức Gioan Phaolô
II) mà từ nội tại đòi phải là dị tính luyến ái, phải có cam kết, phải
vĩnh viễn, phải độc chiếm và phải nhằm sinh sản con cái.
Nhóm thứ hai là nhóm xét lại gồm
những người đã lớn lên trước Vatican II, và đã nhớ rất rõ cái sức sống
mới được công đồng này mang tới. Những người Công Giáo này, mà một số đã
có con ở lứa tuổi thiếu niên và cả trưởng thành nữa, coi Giáo Hội như
mái ấm tôn giáo và văn hóa của họ, thậm chí còn là mẹ và thầy nữa, nhưng
họ không đồng ý coi các kinh nghiệm tính dục cũng như phu thê nhất
thiết phải phù hợp với giáo huấn hiện nay của Giáo Hội. Ít nhất từ thập
niên 1960, họ tỏ ý nghi ngờ không biết các quan điểm của Giáo Hội về
ngừa thai và ly dị có còn giá trị nữa hay không. Họ tiếp tục tranh đấu
ngay trong lòng Giáo Hội để tìm ra chỗ đứng và một tiếng nói cho việc
duyệt lại, và có thể chấp nhận một số ngoại lệ đối với quan điểm cố hữu
xưa nay cho rằng việc làm tình chỉ được phép bên trong một hôn nhân vĩnh
viễn và nhằm để có con mà thôi.
Nhóm thứ ba có thể gọi là nhóm hoài nghi.
Tuy không phải tất cả, nhưng số đông họ là những người trưởng thành
thuộc lớp trẻ hơn vốn không đương nhiên chấp nhận thế giá của Giáo Hội.
Họ thường đứng bên nhìn một cách ngỡ ngàng khi thấy Giáo Hội của cha mẹ
họ cổ vũ một thứ giáo huấn về tính dục xem ra bất kể đến các thực tại
trong các mối liên hệ của con người, ít nhất là ở Mỹ. Như những người
xét lại, họ cũng nhìn thấy những hiện tượng tương tự như sự chấp nhận
rộng rãi việc ngừa thai, “sống chung với nhau”, đồng tính luyến ái, phá
thai, các đe doạ của bệnh AIDS và các cuộc tan vỡ hôn nhân. Thế nhưng dù
vẫn coi mình là người Công Giáo, các nhà hoài nghi có nhiều khác biệt
đối với các người xét lại. Họ công khai xác quyết rằng cần phải coi giáo
huấn về tính dục của Giáo Hội, chủ yếu do các giáo sĩ nam giới đưa ra,
như không còn ăn nhằm gì đối với các nhu cầu ngày nay nữa. Họ coi nhóm
bảo thủ như quá khích, và cười nhạo các cố gắng quá sốt sắng và bền bỉ
của nhóm xét lại, cho rằng không biết đến lúc nào nhóm này mới hiểu ra
là họ không thể thay đổi được gì trong các cơ chế hiện nay.
Nhóm thứ bốn là nhóm đã trở thành tha hóa,
không còn thấy một chút liên hệ gì đối với Giáo Hội Công Giáo nữa, cũng
như không thấy cần phải biện bạch, tranh đấu, hoặc bác khước các giáo
huấn của Giáo Hội này. Giáo Hội Công Giáo La Mã không còn là nguồn tài
nguyên để họ chạy tới, ít nhất một cách hữu thức, để được hướng dẫn về
tính dục cũng như về bất cứ vấn đề nào khác. Các giáo huấn tính dục của
Giáo Hội, khi được xét đến, thường bị lên án là lỗi thời, đè nén, và bất
nhân. Dù theo một nghĩa nào đó, những người Công Giáo tha hóa này không
còn là một thành phần “cử tri” đối với giáo huấn của Giáo Hội nữa,
nhưng việc giáo huấn ấy đáp ứng nhóm đông đảo này một cách quá tiêu cực
quả là có ý nghĩa.
Giáo huấn Công Giáo
Chúng tôi
muốn cố gắng thuyết phục nhóm thứ ba rằng trong giáo huấn Công Giáo, ta
vẫn còn có thể tìm thấy một cái gì đó đáng giá về tính dục, dù phải
nhìn nhận một cách chân thực rằng giá trị thực tiễn của nó không phải là
điều dễ thấy.
Truyền thống Công Giáo vẫn luôn luôn định nghĩa
các đặc điểm luân lý của tính dục trong khuôn khổ hôn nhân. Hôn nhân
không phải chỉ là sự kết hiệp giữa hai cá nhân, nhưng nó được đặt trong
bối cảnh gia đình, và nhất là bối cảnh sinh sản. Thánh Augustinô và
thánh Tôma Aquinô đều coi việc sinh sản là lý do duy nhất có thể biện
minh đầy đủ cho việc giao hợp tính dục trong hôn nhân. Cả hai vị đều coi
việc sinh sản cũng như hôn nhân chỉ đặc biệt quan yếu bao lâu chúng
góp phần vào việc bảo tồn nòi giống, xã hội, dòng tộc hoặc đại gia đình.
Dù vẫn coi tình đồng hành và tình bạn giữa hai vợ chồng là điều lý
tưởng, các tác giả tiền cận đại, cũng như các xã hội trong đó họ sống,
vẫn chưa chấp nhận được cái lý tưởng “kết hiệp có tính liên bản ngã” sau
này, một đàng vì họ không ý thức được tầm quan trọng của cá nhân, đàng
khác vì người đàn bà thời đó bị coi là thấp kém và lệ thuộc người đàn
ông. Sinh sản được coi là mục đích đệ nhất đẳng của tính dục cho đến tận
năm 1930 (với Thông điệp Casti Connubii của Đức Piô XI). Một thay đổi lớn lao đã xẩy ra với hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II và Thông điệp Humanae Vitae trong
đó yêu thương và sinh sản được xếp ngang nhau như các mục đích của hôn
nhân. Sự thay đổi này có được là do ảnh hưởng của nền triết học nhân vị
và việc người ta bắt đầu ý thức được sự bình đẳng của nữ giới. Tuy thế,
giáo huấn chính thức của Giáo Hội phần lớn vẫn tiếp tục kết các giá trị
này vào hành vi thể lý của giao hợp tính dục, chứ không vào mối liên hệ
toàn diện và lâu dài của hai vợ chồng. Ngày nay, giáo huấn của Giáo Hội
dạy rằng cả hai mục đích trên phải hiện diện trong “từng và trong mọi
hành vi”. Điều này có nghĩa là mọi hành vi phải là thành phần của một
liên hệ yêu thương có tính cam kết vĩnh viễn và dị tính luyến ái; và mỗi
hành vi đơn độc phải hướng tới việc sinh sản, theo nghĩa không được
ngăn cản một cách nhân tạo diễn trình có thể đưa đến thụ thai.
Việc
các kinh nghiệm và tư tưởng hiện nay đang phát sinh ra những thách thức
đối với giáo huấn trên không nên bị xem thường. Ngày nay, “tính dục” đã
được nhìn nhận là một chiều kích căn bản của nhân cách và bao trùm
những khía cạnh vuợt lên trên khía cạnh sinh dục là khía cạnh vốn chỉ
nhằm để sinh sản. Các chiều kích cảm xúc và liên bản vị của việc làm
tình cùng những cơ hội nó đưa lại cho sự thân mật và hoan lạc hỗ tương
đã trở nên quan trọng hơn trước nhiều. Sự lầm lẫn và sự tai hại của việc
định nghĩa các lạc thú tính dục không có tính sinh sản như là “tội lỗi”
nay đã thành hiển nhiên. Phong trào nữ giới đã hùng hồn lên án các hình
thức méo mó mà chế độ tổ phụ đã sử dụng để lên khuôn cả hôn nhân lẫn
gia đình. Phong trào ấy cũng đã bắt đầu lên khuôn lại tính dục bằng cách
lượng giá lại các kinh nghiệm của phụ nữ đối với các khía cạnh làm
tình, làm vợ và làm mẹ của mình. Việc nhiều người trẻ trì hoãn hôn nhân
để theo đuổi việc học cũng như nghề nghiệp cũng có nghĩa là thời gian
chín mùi về tính dục cũng lâu dài hơn và do đó có thể có những mối liên
hệ tiền hôn nhân. Trách nhiệm của những người đến tuổi lập gia đình phải
tự chọn lấy người bạn đời chứ không còn lệ thuộc vào mối lái của cha mẹ
cũng như những tương đồng về xã hội và tôn giáo, cùng với tỷ lệ ly dị
cao, đã khiến nhiều người làm tình với nhau trước khi cưới nhau và “lấy
nhau thử” (trial marriages), những điều được họ coi là những dò dẫm khôn
ngoan. Lại có những người Công Giáo độc thân chưa có cơ hội hoặc chưa
muốn lập gia đình, nhưng lại muốn sống thân mật và diễn tả cái tính dục
của mình ra, điều mà đôi lúc họ có được cơ hội bên ngoài hôn nhân. Nhiều
người đồng tính luyến ái cho rằng tính dục của họ là một ân phúc cần
được quí trọng cả đối với bản sắc cá nhân cũng như đối với các mối liên
hệ. Họ kêu gọi Giáo Hội nâng đỡ các cố gắng để họ có thể sống như là
những Kitô hữu trung thành và để có được sự bảo vệ cho các quyền công
dân của họ. Tất cả những vấn đề trên đang đặt ra nhiều thách thức đối
với giáo huấn của Giáo Hội, những thách thức thú thực chưa được Giáo Hội
xử lý thích đáng. Chúng cũng đặt ra nhiều nghi vấn không thể trình bầy ở
đây được, mặc dù đã có nhiều đề nghị thay đổi đối với giáo huấn của
Giáo Hội về các điểm ấy. Thực vậy, đôi lúc dường như nhóm bảo thủ và
nhóm xét lại đã bỏ qua khá nhiều vấn đề căn bản hơn chỉ vì quá bận bịu
với việc tranh cãi nhau về khía cạnh luân lý tính của hành vi tính dục,
thí dụ như các vấn đề làm tình trước hôn nhân, ngừa thai, đồng tính
luyến ái v.v.... Nếu ta vượt lên trên được những cuộc tranh cãi ấy, rất
có thể ta sẽ tìm lại được cái thông điệp chủ chốt về tính dục mà Giáo
Hội Công giáo La Mã đang đưa ra.
Ba chiều kích của tính dục
Nhưng
thông điệp ấy là thông điệp gì? Ngày nay, biểu thức nào có thể diễn tả
được các giá trị Kitô giáo về tính dục một cách đáng tin cậy, có sức
thuyết phục và thực sự giúp ích người ta? Theo thiển nghĩ, thông điệp
trên gồm tóm trong ba chiều kích sau đây của tính dục: (1) tính dục là
sự thôi thúc thể lý đi tìm hoan lạc; (2) tính dục là sự thân mật hay
tình yêu; (3) tính dục có tính sinh sản. Giá trị thứ ba là giá trị cần
thiết nhất nhưng cũng khó khăn nhất trong việc thông đạt đến những người
trẻ tuổi hiện nay.
(1) Tính dục như một thôi thúc thể lý.
Trong quá khứ, Kitô Giáo luôn luôn nghi ngờ sự thôi thúc của tính dục
hay các thèm muốn sinh lý. Hiển nhiên sự ngờ vực này có cơ sở ở chỗ sự
thèm muốn sinh lý ấy rõ ràng có khuynh hướng muốn bẻ gẫy các hạn chế về
phương diện xã hội và luân lý, để đi tìm sự thỏa mãn cho bản thân một
cách vị kỷ, một cách thao túng và cả bạo hành nữa. Ngày nay, thái độ
trên cần được tái duyệt để chấp nhận rằng sự thôi thúc của tính dục, vốn
được coi như người dẫn đường đưa ta vào mối liên hệ tính dục, có những
giới hạn thực sự của nó. Cái “sứ điệp văn hóa” chủ yếu cho rằng tính dục
là một cái gì tự nhiên, đáng được tận hưởng, là một cái gì tốt đẹp và
còn có tính giải trí nữa, tự nó hiển nhiên rất chính đáng, và những
người có trách nhiệm trình bày học thuyết Công Giáo về tính dục không
nên tỏ ra quá miễn cưỡng trong việc chấp nhận “niềm vui tính dục”. Tuy
thế, thông điệp trên không đầy đủ và không thỏa đáng. Sử dụng các hành
vi cũng như các liên hệ tính dục như một lối thoát cho các thôi thúc thể
lý của ta hoặc như những phương tiện để vui khoái tự nó không xấu,
nhưng có tính hạn chế. Bỏ ra ngoài các hình ảnh của báo chí truyền
hình, chúng tôi không nghĩ có ai thực sự không đồng ý như vậy, tuy nhiên
số người muốn duy lý hóa tác phong tính dục cách bất phân biệt cũng
không phải là ít. Thèm khát và vui hưởng thể xác nếu được coi là những
động lực duy nhất của việc làm tình sẽ biến việc làm tình ấy trở thành
không mãn nguyện, cô đơn và tựu chung nhàm chán. Dù phụ nữ xem ra hiểu
hơn nam giới rằng sự thân mật tính dục tự nhiên bao hàm sự thân mật tâm
lý, nhưng ta vẫn hoài nghi sự khác biệt ấy không có chi bẩm sinh hết.
Đúng hơn, chỉ là chuyện đàn bà được xã hội hóa hay được xã hội khích lệ
phải coi trọng sự thân mật hơn mà thôi. Chứ thực ra, sự thân mật gia
tăng thoả mãn về tính dục cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Điều này dẫn ta đến
chiều kích thứ hai của tính dục.
(2) Tính dục như tình yêu.
Coi việc làm tình như biểu thức của yêu đương dường như cũng là ý nghĩ
của phái lãng mạn, tuy nhiên cũng không xa lạ đối với phần lớn các cảm
nghiệm và mục tiêu bản thân của ta. Nền văn hóa của ta hay tỏ ra yếm thế
đối với tính cách đáng tin cậy trong các mối liên hệ của con người.
Nhưng sự thân mật tính dục có thể diễn tả và làm tăng sự thân mật tâm
lý, sự âu yếm, sự hiểu biết và khích lệ lẫn nhau, tình đồng hành, đồng
chí, tình cảm thương, và cả cam kết nữa. Một trong những giá trị Công
Giáo về tính dục là tính vĩnh viễn: mối liên hệ yêu thương đã được thiết
lập về phương diện tính dục giữa người đàn ông và người đàn bà phải là
liên hệ lâu bền và kéo dài mãi. Làm tình mà ít hoặc không cam kết sẽ
giảm thiểu tiềm năng thân mật của chính nó. Không giống như các giống
vật khác, con người có khả năng thâm hậu kết tình bè bạn và những liên
hệ hỗ tương bản vị, những liên hệ một khi được diễn tả qua tính dục sẽ
tạo nên những dây liên kết nhân bản hết sức mạnh mẽ. Bối cảnh luân lý
thích ứng cho việc kết hợp tính dục toàn diện chính là mức độ tương xứng
trong cam kết liên bản vị. Sự cam kết không đều nhau giữa hai người bạn
đời sẽ dẫn đến thao túng, thất vọng, và đau khổ. Làm tình mà không cam
kết là phản bội lại tiềm năng tính dục của con người.
Các khía
cạnh tâm lý và bản thân của kết hiệp tính dục được mối liên hệ của hai
vợ chồng đối với gia đình và xã hội bổ túc cho. Tính dục của ta không
đơn thuần chỉ là khả năng vụ cá nhân nhưng còn liên kết ta với người
khác trong gia đình, nghĩa là trong các liên hệ nhân bản bổ ích nhất
nhưng cũng đòi hỏi nhất. Người đàn ông và người đàn bà đem đến cho cuộc
giao hợp của họ những giây liên kết và những cam kết của họ đối với
nhiều người khác, gồm thân bằng quyến thuộc, và cuối cùng là con cái do
chính họ sinh ra. Dù không phải cặp vợ chồng nào cũng có con, nhưng tiềm
năng sinh sản của tính dục luôn luôn là một phần của mối liên hệ kia.
Không phải lúc nào viễn ảnh có thai và sinh con cũng là viễn ảnh được
người ta có ý nhắm tới và là viễn ảnh chủ yếu trong mối liên hệ ấy,
nhưng không vì vậy mà nó lại không luôn tiềm tàng và rất quan trọng về
phương diện luân lý. Hiển nhiên, sự cam kết trung thành giữa cha mẹ là
bối cảnh tốt nhất cho việc dưỡng dục con cái.
Chúng ta vẫn coi
thói quen “sống chung” với nhau là một thói quen không đáng tin lắm
nhưng lại có cảm nghĩ rằng trong cái thói quen ấy có lẽ ta có thể học
được một cái gì đó về bản nhiên của cam kết tính dục. Trực cảm này phát
sinh từ nhận xét của một vị Giám mục Uganda rằng, trong nền văn hóa của
ngài, hôn nhân là một thực tại tiệm tiến, nghĩa là một thực tại không
hiện hữu đùng một cái là có ngay trong buổi lễ, nhưng được khai triển từ
từ qua một diễn trình thương thảo, thăm viếng, và tặng quà nhau giữa cô
dâu, chú rể và hai gia đình của họ. Dù ở một lúc nào trong diễn trình
ấy, cặp trai gái này có thể ăn nằm với nhau và có con với nhau, nhưng
thực ra không hề có một “mốc điểm” nào khiến cho trước đó hôn nhân không
có mà sau đó lại có. Có lẽ, nhiều cặp trai gái trong nền văn hóa của
ta cũng tuyên bố tương tự như thế về lòng tin cậy và yêu đương mỗi ngày
một lớn hơn giữa họ với nhau. Tuy nhiên, sự thiếu sót trong kiểu “hôn
nhân tiệm tiến” tại Mỹ là việc đôi trai gái không cưới nhau ấy bị tách
biệt hẳn khỏi sự nâng đỡ và dòm ngó của xã hội, những nâng đỡ và dòm ngó
vẫn thường đi đôi với các cuộc kết hôn chính thức. Tại Uganda, toàn thể
gia đình đều góp phần vào mối liên kết đang lớn lên kia và trông chờ
đôi trai gái sẽ làm nó triển nở qua lời khuyên bảo, răn đe và nâng đỡ
nếu cần. Hệ thống nâng đỡ này cũng hiểu rõ họ có nhiệm vụ phải săn sóc
bày trẻ thơ ngay bên trong hệ thống của mình nếu vì một lý do nào đó cha
mẹ chúng phải chia tay. Nói cách khác, hình thức hôn nhân tiệm tiến của
Châu Phi, trong mỗi giai đoạn, đều mang theo mình một mức độ ngày càng
lớn hơn về tầm quan trọng và trách nhiệm của bản thân, của gia đình và
của xã hội. Người ta cũng có thể nghĩ tới tục đính hôn và cưới xin của
người Do Thái xưa, đã được phản ảnh trong Phúc Âm Mátthêu và Luca khi
nói đến việc Đức Maria có thai trước khi kết hôn. Các liên hệ tính dục
đã được phép trước khi lấy nhau trong những điều kiện được cả tôn giáo
lẫn xã hội ấn định. Dù các liên hệ tính dục tạm bợ thường thấy trong nền
văn hóa của ta có thể nói lên cái nhìn sâu sắc có giá trị về việc khai
triển ra cam kết, chúng vẫn thiếu mất những hình thức xã hội cần có
khiến chúng phải chịu trách nhiệm về các ý nghĩa thực sự có tính bản
thân và cộng đoàn của hành vi làm tình. Một trong những ý nghĩa đó là
việc có con, và việc này dẫn ta đến điểm kế tiếp sau đây.
(3) Tính dục có tính sinh sản.
Trong các nền văn hoá Phương Tây hiện nay, giá trị của việc làm tình để
có con tỏ ra khó “bán” hơn là việc làm tình để vui khóai và làm tình để
yêu đương nhau. Chúng ta đang ở trong một thời đại trong đó việc sinh
sản bị thu nhỏ chỉ còn có ý nghĩa phụ thuộc trong việc làm tình, thường
bị người ta tránh né, và nếu được chấp thuận thì chỉ là chuyện của ý chí
tự do mà thôi. Sự liên kết sâu xa và sự tăng cường lẫn nhau giữa việc
làm tình, tình yêu và việc có con ngày nay không còn nữa, lý do một phần
do giáo huấn của Giáo Hội đã thu hẹp sự hỗ tương của chúng bằng cách
chỉ chú tâm một cách hết sức khó hiểu xét theo cảm nghiệm vào chính hành
vi sinh dục nhằm sinh sản mà thôi và những hành vi này được coi như
những biến cố riêng rẽ. Nhưng chính sự thống nhất giữa việc làm tình,
tình yêu và việc có con theo nghĩa rộng mới là tín thư chính yếu mà Giáo
Hội Công Giáo La Mã phải cung hiến cho thế hệ trẻ ngày nay, là thế hệ
dễ coi việc làm tình như để biểu lộ tình yêu hơn là dẫn đến cam kết vĩnh
viễn, có con và gia đình.
Cái kiềng ba chân
Cách
tốt hơn để diễn tả mối liên kết trên, lối diễn tả mà ta phải nhắm tới,
nằm trong quan niệm hiện nay nhất quyết rẫy bỏ nhị nguyên thuyết, và
nhấn mạnh rằng thể xác và tinh thần tạo nên một thực tại hòa nhập
(integrated reality), chứ không phải là hai “thành tố” miễn cưỡng liên
kết với nhau. Chúng ta không khoan dung một nền luân lý tính dục coi
thân xác như cái gì “xấu xa”, cần được kiềm chế, còn khía cạnh tâm linh
mới là “thánh thiện”. Quan niệm phi nhị nguyên về việc làm tình, trái
lại, đòi hỏi nền luân lý về tính dục phải được đặt trên định đề cho rằng
các hành vi tính dục và các khoái cảm do chúng tạo ra đều tốt cả. Nó
cũng đòi ta phải nhìn các hành vi ấy và các tiềm năng sinh sản của chúng
như một toàn bộ hay một diễn trình hoà nhập.
Ở đây, chúng ta
không có ý nói rằng không phải lúc nào việc can thiệp vào sự thụ thai
được quan niệm như một hậu quả cũng là điều xấu; nhưng chỉ có ý nói rằng
việc phân tách về phương diện luân lý chỉ nên khởi đầu với một giả
thiết nghiêng về phía việc làm tình phải dẫn đến chỗ làm cha mẹ chung.
Nói cách khác, sự thoả mãn hay khoái lạc thể xác, tình thân mật liên bản
vị, và việc sinh con không phải là ba “biến số” biệt lập, hay là ba ý
nghĩa có thể có về tính dục mà ta có thể tự do muốn phối hợp hoặc vứt bỏ
cách nào cũng được về phương diện luân lý. Tính dục và tình yêu, trong
tư cách là những thực tại xác thân (embodied realities), về phương diện
luân lý, có liên hệ nội tại với việc sinh sản, nghĩa là với việc cùng
nhau sáng tạo ra và dưỡng dục những đời sống mới và những tình yêu mới.
Cách thế mềm dẻo hơn và thích đáng hơn về phương diện cảm
nghiệm để diễn tả sự thống nhất trên không nằm trong các hành vi, mà là
trong các mối liên hệ. Một số các liên hệ nhân bản căn bản cùng đến với
nhau qua tính dục để nối kết ta không những với người bạn đời của ta mà
còn với cộng đòan rộng lớn hơn, qua các mối liên hệ xã hội của hôn nhân
và gia đình. Đó chính là các liên hệ phu thê và liên hệ phụ tử. Tình vợ
chồng và tình cha con được nối vào sự cam kết lâu dài của hai người phối
ngẫu và được biểu thị qua tính dục. Cả hai liên hệ ấy không những lệ
thuộc nhau mà còn có tính xác thân nữa. Tình vợ chồng có tính xác thân
qua việc cùng nhau chia sẻ những điều kiện vật chất của đời sống kinh tế
và nội trợ, và qua tính dục, là thực tại có thể dẫn tới việc cùng nhau
chia sẻ liên hệ thể lý với đứa con. Tình phụ tử có tính xác thân qua
việc cùng nhau chia sẻ những điều kiện vật chất của đời sống gia đình,
qua sợi dây di truyền (genetic link), và qua sự kiện mối liên kết thể lý
của tình vợ chồng dẫn đến khả năng phụ tử. Tóm lại, truyền thống Công
Giáo đưa ra một toàn bộ các thái độ luân lý đối với tính dục, trước khi
bàn tới những điểm cụ thể khó xử (dilemmas) về luân lý hay các khuôn
thước hoặc các cấm kỵ luân lý. Truyền thống ấy khích lệ ta tôn trọng và
trân quí tính dục như một khoái cảm thể lý hỗ tương, như tình thân mật
và như để có con (hoặc ít nhất sẵn sàng đón nhận nó). Ba mối liên hệ này
cùng đến với nhau trong mối liên hệ luôn triển nở của hai vợ chồng. Xét
theo mọi chiều kích của nó, thì việc làm tình vừa là một kinh nghiệm
tâm lý vừa là một kinh nghiệm thể lý, và hai khía cạnh này góp phần tạo
ra các đặc điểm luân lý của nó.
Tuy nhiên, nói như thế rồi, ta
cũng phải nhận điều này là có những hoàn cảnh nhân bản trong đó ta không
thể thực hiện cả ba giá trị trên cùng một lúc được (làm tình, cam kết
hoặc yêu thương, làm cha mẹ). Trong cuộc sống tính dục, cũng như trong
các phạm vi khác, con người đôi lúc phải đương đầu với những tranh chấp
luân lý, trong đó chọn lựa nào cũng đều khó hiểu cả. Trong ba giá trị
trên, tình yêu chắc chắn là điều kiện không thể nào không có được (sine
qua non), nó là giá trị đệ nhất đẳng của cái kiềng ba chân kia. Vì nhân
vị tính (personhood) là đặc tính có tính biệt loại nhất của con người,
cho nên nó cũng là khía cạnh có tính bản thân nhất của tính dục, một
khía cạnh quan trọng nhất về phương diện luân lý. Trong những hoàn cảnh
bất thường hoặc khó khăn, hai giá trị kia (giao hợp và có con) có thể
trở thành phụ thuộc đối với liên hệ yêu thương của hai vợ chồng miễn là
vẫn phải nhìn nhận ý nghĩa thực tiễn của chúng. Thí dụ, khi áp dụng ngừa
thai, việc sinh sản tạm thời được gạt qua một bên, nhưng phải liệu sao
cho nó vẫn còn có thể thực hiện được trong suốt cuộc liên hệ vợ chồng.
Trong một số phương pháp điều trị bệnh hiếm muộn, việc làm tình phải
được gạt qua một bên không được dùng như phương thế thụ thai, nhưng
không vì thế mà liên hệ vợ chồng vốn có tính yêu thương và sinh sản lại
không có những biểu thị qua tính dục. Mặt khác, những cặp vợ chồng nào
nhất định tuyệt đối không chịu chấp nhận làm cha mẹ, và đã sử dụng việc
phá thai như một phương pháp hạn chế sinh đẻ, chắc chắn đã không nhìn
nhận một cách thích đáng mối liên hệ luân lý giữa ba giá trị làm tình,
yêu đương và sinh sản. Cũng thế, những cặp vợ chồng nào khát khao có bầu
đến độ bỏ qua một bên sự thống nhất của mối giây phu thê, ân ái và phụ
tử kia để tiếp nhận tinh trùng của người tặng dữ (donor sperm) hoặc cung
lòng của “bà mẹ thế” (surrogate mother) để tạo ra sự kết hiệp về sinh
sản giữa một trong hai vợ chồng với người thứ ba chắc chắn cũng đã không
trung thành đầy đủ đối với các giá trị của tính dục. Mặc dù các cuộc
hôn nhân đôi khi thất bại trong tư cách thực tại nhân bản, một thảm kịch
mà giáo huấn của Giáo Hội với đặc tính “bất khả tiêu” (indissolubility)
có thể đã không giải quyết thỏa đáng, truyền thống Công Giáo vẫn có giá
trị ở chỗ đã duy trì được cái lý tưởng về vĩnh viễn của nó. Ý nghĩa
tình yêu trong cái kiềng ba chân của tính dục dẫn ta đi xa hơn những cảm
xúc lãng mạn. Nó có nghĩa ta phải cam kết xây dựng cho bằng được một
liên hệ hỗ tương thỏa đáng để kính trọng nhau, để hiểu nhau và để nâng
đỡ nhau. Nó bao hàm kiên tâm, hối cải và tha thứ. Dù việc ly dị có được
biện minh bao nhiêu chăng nữa, thì xem ra việc có qúa nhiều vụ ly dị là
do nền văn hóa của ta đã quên mất rằng việc cam kết đối với tương ước
hôn nhân vừa đòi phải có sự tận tụy liên tục đối với nhau vừa đòi xã hội
phải nâng đỡ mạnh mẽ.
Ít nhất kể từ thập niên 1960, các giá
trị liên bản vị đã được đưa lên hàng đầu trong quan niệm Công Giáo về
tính dục, và người ta đã chú ý nhiều hơn đến cảm nghiệm của chính các
liên hệ tính dục nữa. Cùng lúc ấy, việc coi tình yêu và cam kết là chủ
yếu cùng với việc sinh sản con cái nhiều khi đã bị đánh lạc hướng bởi
những cuộc tranh luận gay gắt chung quanh vấn đề ngừa thai cũng như các
vấn đề khác. Những cuộc tranh luận ấy đã tốn hao bao nhiêu sinh lực
không còn sức dành cho việc tái thẩm định để đưa ra được những điểm chủ
yếu trong giáo huấn Công Giáo gửi tới thế hệ sắp đến. Điều mà nền văn
hóa của ta cần nghe nhất chính là một phê phán có hiệu quả chống lại
những mối liên hệ tính dục có tính cá nhân chủ nghĩa, duy vật và tạm bợ,
chứ không phải là những bản kê khai các vi phạm đối với “giáo huấn của
Giáo Hội”. “Thông điệp” Công Giáo chính là sự tùy thuộc qua lại giữa các
đặc tính khóai cảm, thân mật và sinh sản của việc làm tình sẽ neo cứng
tính dục của ta vào một trong những mối liên hệ nhân bản bền bỉ và bổ
ích nhất. Người ta chỉ chịu nghe thông điệp trên nếu thông điệp ấy được
ngỏ một cách trung thực với các cảm nghiệm tính dục thực sự của người
trẻ Công Giáo, và nếu người đưa thông điệp chịu khó lắng nghe và học hỏi
từ chính cử toạ đang nghe họ nói.
Viết theo Lisa Sowle Cahill, Commonweal 117:15 (14 tháng 9, 1990).